Thử kit độ chính xác không cao
Trao đổi về việc Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường công bố có 32/67 người đang có thuốc bảo vệ thực vật lưu tồn trong máu. Đáng nói, hầu hết các đối tượng không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân. Là một người làm trong lĩnh vực này lâu năm, TS Tào Minh Tuấn cho rằng ông rất nghi ngờ về kết quả này.
TS Tào Minh Tuấn phản biện lại kết quả nghiên cứu.
Vị chuyên gia nhận định, phương pháp thử bằng giấy (test kit) chỉ định tính chứ không định lượng. Mức độ chính xác không cao, phụ thuộc vào tay nghề của người làm nên dễ gây ra kết quả sai lạc. Test kit này chỉ dùng để phát hiện 2 nhóm thuốc BVTV là lân hữu cơ và carbamate. Còn có vấn đề ở chỗ, test kit trên giấy thường có ngưỡng phát hiện rất cao và rất hay sai sót. Chỉ cần sai sót một tí trong quá trình thao tác cũng có thể chuyển màu luôn.
Ông cũng dẫn chứng về việc dùng kit sai. Đó là trước đây ở cửa khẩu cũng dùng test kit để phát hiện nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ, hoa quả nhập khẩu. Nhưng khi phát hiện nghi ngờ trên giấy thì phải mang về phân tích trên máy để định lượng là bao nhiêu. Nhiều khi test thể hiện đổi màu, thể hiện có dư thuốc BVTV, nhưng khi phân tích trên máy có độ nhạy và chính xác rất cao thì không có.
Ngoài ra, vị TS cũng cho hay điều khiến ông nghi ngờ kết quả này chính là yếu tố sức khỏe người bị tồn dư. Nếu có tồn dư thuốc BVTV trong máu (huyết tương) ở ngưỡng kit phát hiện ra thì sức khỏe không thể bình thường. Họ sẽ có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, chân tay run rẩy, toát mồ hôi… Nhưng ở đây thông tin cho thấy họ bình thường.
“Tôi đã nhận được một số ý kiến về sử dụng phương pháp này là không đáng tin cậy. Làm khoa học nhưng để đưa ra các con số cảnh báo từ phương pháp không đáng tin, con số thiếu cụ thể và chính xác thì rất ảnh hưởng đến tình hình của xã hội. Người dân không có kiến thức chuyên môn đọc thông tin này sẽ rất sợ. Quan điểm của tôi thì người đưa thông tin này ra ngoài cần cẩn thận, cần được kiểm chứng lại. Bởi đưa ra một kết quả như trong bài báo sẽ ảnh hưởng rất nhiều người, từ người sản xuất đến sức khỏe cộng đồng”, TS Tào Minh Tuấn nhấn mạnh.
Thuốc BVTV dễ mua hơn kháng sinh
Ở góc độ khác, TS Tào Minh Tuấn cũng phân tích, thuốc BVTV vào cơ thể thông qua nhiều con đường như ăn uống, hấp thu qua da, hô hấp… Khi vào cơ thể sẽ đến máu. Tùy vào từng loại thuốc sẽ dẫn đến các điểm tác động khác nhau trong con người. Ví dụ nhóm lân hữu cơ, carbamate sẽ ức chế enzym Acetyl-cholinesterase (AChE) trong máu. Đây là enzym có tác dụng phân hủy chất truyền tín hiệu thần kinh Acetylcholin từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác. Khi enzyme AChE bị ức chế, chất dẫn truyền tín hiệu không bị phân hủy nên các tế bào thần kinh bị kích thích không ngừng. Còn có những loại thuốc khác lại tác động vào điểm khác trong một chuỗi quá trình sinh lý sinh hóa của động vật.
Nhưng cũng cần nói rằng, khi vào cơ thể động vật, thuốc cũng sẽ bị phân hủy và giảm hàm lượng bởi các enzym khác như enzymcytochrom P450 monoxygenase, hay các enzym esterase, các enzyme oxy hóa khử khác. Tuy nhiên, khi bị nhiễm thuốc BVTV ở mức độ cao, thuốc sẽ gây ngộ độc cấp tính, còn khi bị nhiễm với lượng nhỏ nhưng nhiều lần, lâu dài thuốc sẽ tích lũy trong cơ thể và cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Dù nhìn ở góc độ nào thì việc tránh bị nhiễm thuốc BVTV là cũng cần thiết.
Vì thế, TS Tào Minh Tuấn cho rằng, điều quan trọng hiện nay để giảm nguy cơ của thuốc BVTV chính là cần sự truyền thông đến người bán và sử dụng. Thuốc BVTV rất dễ mua, thậm chí còn dễ mua hơn cả kháng sinh. Chưa kể, người nông dân phụ thuộc nhà bán thuốc. Thuốc nào được chiết khấu cao thì người bán sẽ giới thiệu cho nông dân rằng tốt lắm, mua đi. Người dùng về dùng sai mục đích, pha không đúng hoặc phun nhưng không đảm bảo thời gian cách ly.
“Điều đáng nói hiện nay, trong thực tế sản xuất lượng thuốc lân hữu cơ và carbamate người dân sử dụng không nhiều như những năm 90, do các thuốc BVTV có kiểu tác động khác hai nhóm lân hữu cơ và carbamate rất phong phú và có hiệu quả phòng trừ cao. Về mặt quản lý nhà nước, Cục BVTV đã và đang loại các loại thuốc có độ độc cao với sức khỏe con người và môi trường cho ra khỏi danh sách thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam”.
Hiền Dung