Mòn mỏi chờ lương hưu
Thông tin trên báo chí, ông Lưu Trần Chinh, chủ hộ kinh doanh giày dép da ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) 19 năm. Từ năm 2004, khi bắt đầu kinh doanh cũng là lúc hộ ông Chinh đóng cho 7 lao động thuê mướn và tham gia luôn theo lời vận động của cán bộ BHXH. Đến nay gần hết thời gian đóng, ông cũng chuẩn bị đến tuổi về hưu (lao động nam về hưu năm 2023 là 60 tuổi 9 tháng) thì nghe thông tin không đủ điều kiện được về hưu và hưởng lương hưu vì đóng BHXH sai quy định.
Cũng như nhiều chủ hộ kinh doanh khác, ông bị BHXH đóng nhầm BHXH theo diện tự nguyện sang BHXH bắt buộc 10 năm. Kết quả là giờ không khớp nối dữ liệu được. Thông tin khiến ông Chinh hoang mang lo lắng. Ông đã tìm tới cán bộ BHXH địa phương hỏi nhưng chưa nhận được câu trả lời.
|
Hướng xử lý 4.200 hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm xã hội trái luật (ảnh minh họa: Internet). |
Tương tự, ông Nguyễn Viết Lâm, 63 tuổi, trú phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, từng làm chủ cơ sở gia công cửa sắt. Tham gia với tư cách chủ hộ kinh doanh cá thể, mức tiền lương tính đóng BHXH của ông thời điểm bắt đầu (tháng 1/2005) là 442.000 đồng, phụ cấp 58.000 đồng, nộp theo quý, nhân viên BHXH đến nhà thu. Những năm sau, mức tiền đóng tăng lên, ông ra bưu điện nộp ba tháng một lần.
Đến 2019, năm cuối cùng trước tuổi về hưu, tiền lương tính đóng BHXH của ông Lâm nâng lên 3,48 triệu đồng. Tỷ lệ trích đóng lần lượt vào các Quỹ Hưu trí, tử tuất 22%, Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 0,5%, Ốm đau thai sản 3% và Bảo hiểm thất nghiệp 3%. Mức đóng lẫn tỷ lệ đóng này dành cho người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không có chủ hộ kinh doanh như ông Lâm.
Đầu năm 2020, ông Lâm tròn 60 tuổi, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, nhưng chưa đủ điều kiện nhận lương hưu do mới đóng 15 năm BHXH trong khi luật quy định 20 năm. Nhân viên BHXH tỉnh Tuyên Quang gọi ông ra chốt sổ. Sau khi kiểm tra giấy tờ, cán bộ tư vấn nếu có tiền tích lũy có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho gần 5 năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Mỗi năm Nhà nước điều chỉnh tiền hưu trí cũng lên theo. Vét tiết kiệm, vay mượn đủ 269,8 triệu đồng, ông Lâm đóng một lần cho gần 5 năm BHXH còn thiếu để chờ lương hưu, nhưng ba năm qua chưa được nhận.
Ông Chinh, ông Lâm chỉ là một trong số hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 tỉnh, thành bị thu BHXH sai luật, thống kê đến tháng 9/2016. Theo Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều người đóng 20 năm nhưng không được hưởng lương hưu đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện BHXH tỉnh ra tòa án.
Đại diện Ban Dân nguyện của Quốc hội lý giải năm 2003 bắt đầu có chính sách BHXH bắt buộc, chủ hộ kinh doanh cá thể có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho lao động có hợp đồng. Khi đóng cho lao động, họ đã đóng luôn cho bản thân. Nhân viên BHXH tại địa phương "với suy nghĩ càng nhiều người đóng càng tốt, không phân loại, nên thu tiền cả những người không thuộc diện đóng".
Ban Dân nguyện đánh giá việc thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng thuộc trách nhiệm của ngành BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh cá thể. Do đó, Ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam rà soát việc thực hiện BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc.
Hướng xử lý thế nào?
Về hướng xử lý, BHXH Việt Nam cho biết từ năm 2003 đến nay, một số chủ hộ đủ điều kiện đã được hưởng các chế độ hưu trí, BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được tính thời gian đóng, chưa được hưởng chế độ "do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia BHXH". Vì vậy năm 2016, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, đồng thời báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người đóng.
Từ góc độ của cơ quan giám sát, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ với báo chí, có hai hướng xử lý với chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu bảo hiểm trái luật là thoái thu hoặc chi trả chế độ hưu trí với người đủ điều kiện, nhưng cách nào cũng vướng vì luật không quy định chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc diện đóng BHXH bắt buộc nên không có căn cứ pháp lý. Song họ đã đóng góp lâu dài vào Quỹ BHXH nên các cơ quan chức năng cần sớm có phương án giải quyết.
Theo vị chuyên gia này, trước tiên BHXH Việt Nam cần rà soát và báo cáo chính xác số chủ hộ kinh doanh bị thu sai, số tiền thu sai, phân loại thời gian đóng, các chế độ họ đã hưởng. 4.240 chủ hộ là số tính đến năm 2016, trong khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra năm 2021 thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với hơn 3,5 tỷ đồng.
Sau rà soát, BHXH Việt Nam cần phân loại, xem chủ hộ có nguyện vọng thế nào. Trong số hộ bị thu sai có người muốn tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc để hưởng hưu trí lẫn chế độ khác, quá trình vận động họ có thể đồng ý chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện, nhưng cũng có người muốn trả lại tiền.
Ông Quý cho rằng không nên tiếp cận theo hướng thu sai thì hoàn trả nguyên trạng (thoái thu), cũng không thể chuyển tất cả chủ hộ sang chế độ BHXH tự nguyện vì từ đầu họ đóng với tỷ lệ dành cho nhóm bắt buộc. "Cần giải quyết đúng nguyên tắc đóng - hưởng, nghĩa là chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc phải được hưởng đầy đủ quyền lợi của người tham gia khu vực này", ông nói.
Về nguồn chi trả, chủ hộ đóng vào Quỹ BHXH như các nhóm khác thì việc lấy tiền từ đây để chi chế độ dù họ không thuộc diện bắt buộc "cũng không phải là vấn đề khó khăn". Quỹ đã hạch toán độc lập và tính toán cân đối thu - chi trên cơ sở đóng góp của các bên tham gia, ông Quý phân tích.
Chính sách BHXH hiện chia hai loại hình bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
BHXH tự nguyện dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Theo quy định, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Họ là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, đề xuất chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương sẽ nằm trong nhóm tham gia BHXH bắt buộc. Tiền lương tính đóng BHXH với các nhóm này sẽ do người đó tự chọn, dao động từ 2 - 36 triệu đồng và sau một năm được chọn lại.