Đêm 22/8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận một ca tai nạn trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân N.Đ.T., 32 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) được đưa vào Khoa Cấp cứu vào lúc 23h51 sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Mặc dù không có tiền sử bệnh lý trước đó, bệnh nhân đã bị chấn thương đầu nặng và được chuyển từ Bệnh viện Đông Anh đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám và chẩn đoán. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất hiện nhiều dấu hiệu chấn thương nghiêm trọng như hàm mặt sưng nề, tụ máu vùng bụng và chậu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải đa chấn thương nghiêm trọng chưa xác định rõ ràng.
Bệnh viện đã nhanh chóng triển khai các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tổn thương nặng ở vùng sọ và cột sống cổ. Tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhân đã khiến các bác sĩ quyết định chuyển ngay vào Phòng mổ - Khoa Gây mê hồi sức để tiến hành các can thiệp cần thiết vào lúc 1h30 ngày 23/8.
Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục xấu đi. Đến 3h15 ngày 23/8, các bác sĩ đã tiến hành đánh giá lâm sàng và nghi ngờ bệnh nhân đã chết não. Sau ba lần kiểm tra kỹ lưỡng và chi tiết bởi các chuyên gia đầu ngành, đến 10h ngày 24/8, kết quả cuối cùng đã khẳng định rằng, bệnh nhân N.Đ.T. không thể qua khỏi.
Đứng trước nỗi đau mất mát to lớn, gia đình bệnh nhân đã đưa ra một quyết định dũng cảm và đầy nhân văn: Hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người khác.
Đây là một hành động thể hiện tình thương yêu và sự hy sinh cao cả, mang đến hy vọng mới cho những bệnh nhân đang mong chờ cơ hội được ghép tạng.
Các y bác sĩ dành một phút tri ân, mặc niệm để cảm ơn người hiến tạng. Ảnh Báo chính phủ |
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn ngay lập tức đã triển khai hàng loạt quy trình để hoàn thành tâm nguyện của gia đình, giúp các phần tạng hiến của bệnh nhân có thể thắp lên những cuộc đời mới.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đây là lần đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nói riêng và cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nói chung thực hiện lấy - ghép mô tạng từ người cho chết não.
Dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 2 ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sẽ được thực hiện đồng thời.
Hai trường hợp nhận thận tại đây là người đàn ông lớn tuổi, phát hiện suy thận từ năm 2012 và người phụ nữ 42 tuổi bị suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020.
Lá gan của người hiến sẽ được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây cũng là nơi có nhiều bệnh nhân tổn thương gan nặng, suy gan chờ được ghép gan nhất cả nước.
Tim của người hiến sẽ được đưa vào TPHCM, để ghép cho bệnh nhân nam 20 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện này thực hiện ghép tim, sau hơn 4 năm được đào tạo và chuẩn bị.
Giác mạc người hiến được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cơ sở này đã xác định sẽ hỗ trợ không giới hạn để ca hiến - ghép tạng này được thực hiện thành công.
"Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn triển khai kỹ thuật này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức để thực hiện ca hiến - ghép tạng thành công, tạo đà cho những lần sau.
Thành công lần này, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sẽ có thể có thêm danh mục kỹ thuật ghép tạng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, mang lại giá trị rất cao cho người bệnh", BS Hùng cho hay.
"Tạng hiến của bệnh nhân là món quà vô giá. Chúng tôi là những người mang món quà này đến với người nhận. Tôi tin rằng, sau 24 giờ nữa sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống với sự phối hợp của tập thể các bệnh viện", TS Dương Đức Hùng nhấn mạnh.
Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.