Học trường quốc tế hình minh họa.
Lâu lắm mới gặp, cậu bạn khoe hai đứa con đều cho học trường quốc tế. Đứa lớn học trường của Anh từ lớp 6, giờ đang học đại học bên Anh. Còn đứa bé đang học lớp hai trong trường quốc tế Nhật.
Tôi hỏi, thế tiếng Việt rồi văn hóa, lịch sử của Việt Nam có được học không? Bạn bảo, học trường quốc tế thì tiếng Việt được coi như ngoại ngữ, nói gì đến văn hóa với lịch sử. Mà cho vào đấy là để được học văn hóa của họ, vài năm nữa sang nước họ học. Như con bé lớn, giờ về nước rất nhiều từ nó không hiểu nghĩa tiếng Việt, lại phải tra từ điển.
Tôi cũng trầm trồ, ngưỡng mộ. Nhưng là ngưỡng mộ khả năng tài chính của bạn. Nuôi hai đứa con học hành tốn kém như thế phải là rất mạnh. Còn thực tình tôi vẫn băn khoăn, sự lựa chọn của bạn có thực sự tốt cho các con.
Tại sao người ta phải cho con học trường quốc tế, phải cho đi du học? Vì họ muốn con cái được học ở một nơi có nền giáo dục tốt hơn. Được tiếp thu kiến thức và nền văn hóa tiến bộ, văn minh hơn. Đó là một mong muốn chính đáng.
Nhưng đó là mong muốn của cha mẹ chứ có phải bản thân đứa con muốn thế hay không. Bạn sinh ra một đứa con, bạn muốn lớn lên nó thành người Anh hay thành người Nhật, đó là mong muốn của bạn chứ có phải của nó không? Điều đó có tốt cho nó không hay đơn giản chỉ là giấc mơ chưa đạt được của chính bạn?
Mỗi nền văn hóa đều có những cái hay, những cái dở. Nhiều người vì những hiện tượng xấu trong xã hội dẫn tới phủ định cả những điều tốt đẹp trong văn hóa của dân tộc mình.
Học trường quốc tế, tiếp thu một nền văn hóa mới, tiến bộ hơn, tốt thôi. Nhưng vấn đề là mỗi người phải có nền tảng của mình. Thế giới càng hòa nhập, thì mỗi người cần phải giữ gìn những cái gì của riêng mình.
Mình sinh ra là người Việt, dòng máu chảy trong mình là của người Việt. Những thói quen, nếp sống, cả nền văn hóa nghìn năm của dân tộc đã ngấm vào người mình từ khi sinh ra, phải hiểu được văn hóa của dân tộc mình để biết mình là ai.
Người ta có thể lựa chọn quốc tịch hay nơi mình sống, nhưng không thể lựa chọn được cha mẹ cũng như không lựa chọn được nguồn gốc, nơi mình sinh ra, nơi mình thuộc về. Đừng để đến lúc về già mới trăn trở không biết mình thực sự là ai, mới lại vất vả đi tìm cái tôi của mình.
Minh Anh