Mẫu răng, xương ống cho kết quả chính xác nhất
Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 150 “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” (gọi tắt là Đề án 150), theo đó Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một trong ba một trong đơn vị chủ chốt được giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ, bên cạnh Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc Phòng) và Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an).
Các mẫu hài cốt khi khai quật thu mẫu đã qua quá trình lưu giữ trong điều kiện tự nhiên nóng ẩm nhiều năm, hầu hết đã mục nát. Bởi vậy, sau một thời gian thử nghiệm, các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ sinh học quyết định mẫu răng, xương ống là thích hợp vì liệt sĩ thường hy sinh lúc trẻ tuổi, răng còn tốt, nhất là răng nanh, hầu như còn nguyên vẹn sau vài chục năm chôn cất. Các phần còn lại có thể dùng được trong điều kiện hài cốt còn tương đối mới.
Đến nay có những mẫu răng của liệt sĩ hy sinh từ những năm 40, tức là qua 70 năm chôn cất vẫn dùng để giám định được. Bên cạnh đó, do ADN trong nhân tế bào hầu như đã bị phân hủy theo thời gian, các nhà nghiên cứu cũng xác định, tách chiết ADN ty thể đối với tế bào xương, răng là cách duy nhất cho phép giám định gen hài cốt lâu năm của người Việt Nam, vì ADN ty thể mạch vòng, có hàng trăm bản trong mỗi tế bào và khá bền vững với thời gian. Các nhà nghiên cứu đã có những cải tiến kỹ thuật để đảm bảo sự ổn định của ADN ty thể được tách chiết phục vụ nhân dòng và phân tích trình tự.
Từ năm 2000 - 2011, Viện Công nghệ sinh học đã giám định gần 1.000 hồ sơ liệt sĩ và định danh được hơn 800 liệt sĩ. Từ năm 2011 - 2015, trung bình hàng năm, Viện định danh 400 mẫu hài cốt liệt sĩ. Kinh phí giám định hoàn toàn được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước và các tổ chức xã hội và không thu phí của các gia đình thân nhân liệt sĩ.
Hoàn chỉnh quy trình công nghệ
Ông Hà Huy Quỳnh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, khi Trung tâm đi vào hoạt động ổn định, Viện Công nghệ sinh học -Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công quy trình công nghệ phân tích ADN hài cốt liệt sĩ và đã chuyển giao công nghệ cho các đơn vị giám định khác.
Tháng 7/2019 Viện Công nghệ sinh học đã hoàn thành Dự án "Đầu tư nâng cấp Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại Viện Công nghệ sinh học" nhằm đảm bảo năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ mỗi năm. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm đặt mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN/di truyền từ các mẫu xương lâu năm, các mẫu xương cổ và hướng tới trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự và di truyền cá thể.
Khó khăn là chất lượng và số lượng ADN của các mẫu hài cốt tỉ lệ nghịch với thời gian do xương bị phân hủy rất mạnh, kèm theo là việc nhiễm vi sinh vật và các chất ức chế. Phần lớn các mẫu hài cốt tính tới thời điểm hiện tại đều có độ tuổi từ 40 đến 100 năm. Như vậy, các đơn vị giám định đang gặp phải một thách thức vô cùng lớn từ bước đầu tiên của công việc giám định, đó là thu nhận được ADN đạt yêu cầu cho các công nghệ phân tích hiện có.
Quy trình giám định ADN hài cốt liệt sĩ nhằm định danh các bộ hài cốt của liệt sĩ chưa biết tên tại Trung tâm Giám định AND, Viện Công nghệ sinh học:
- Thu nhận mẫu của hài cốt cần xác định danh tính;
- Thu nhận thông tin về liệt sĩ có thể có về liệt sĩ;
- Xây dựng cây phả hệ giả định theo lý thuyết;
- Thu nhận mẫu máu của nhân thân giả định;
- Tách chiết ADN của các mẫu hài cốt và mẫu máu;
- Nhân dòng ADN ty thể;
- Đọc trình tự nucleotide các đoạn ADN nhân bản được;
- Lưu giữ thông tin về trình tự nucleotide và so sánh bằng phần mềm chuyên dụng để xác định cây phả lệ;
- Kết luận về mối liên quan phả hệ. Trong trường hợp kết quả chưa thỏa đáng thì tiến hành phân tích thêm ADN nhân để có kết luận chính xác.