Những năm gần đây, thị trường trái cây xuất khẩu ngày càng phát triển, chinh phục được nhiều thị trường nước ngoài khó tính và khắt khe nhất.
Cam Cao Phong ghi danh vào “Top" hoa quả Việt Nam xuất ngoại
Mới đây, Tập đoàn Longdan nhập khẩu gần 7 tấn cam Cao Phong (Hòa Bình), bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan tại London và một số thành phố khác ở Anh, với giá 2.5 Bảng Anh/1kg (tương đương 71.000 đồng).
Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, để vào thị trường Anh, sản phẩm cam Cao Phong đã đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, trong đó có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Trước sự kiện cam Cao Phong “đi Tây”, Việt Nam có nhiều loại trái cây khác đã thâm nhập vào các thị trường khó tính khác như: chuối, sầu riêng, chanh dây xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; nhãn tươi nhập khẩu vào Nhật Bản; bưởi da xanh, chanh được nhập khẩu vào thị trường New Zealand. Ngoài ra, những sản phẩm trái cây chủ lực xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam như thanh long, chuối, mít, xoài, bưởi, sầu riêng…
Cam cao phong được bán tại chuỗi siêu thị Longdan |
Làm giàu từ nhà nông
Từ thực tế nắm bắt thị trường và xu hướng người dân hướng tới thực phẩm sạch, nhiều người đã “phất lên” từ nhà nông.
Ông Lê Văn Sáu (thường gọi là ông Sáu Bờ) - “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Tiền Giang đã trở thành tỉ phú nhờ trồng và xuất khẩu sầu riêng.
Sầu riêng vườn nhà ông Sáu luôn trúng mùa, trúng giá. Thương lái từ Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre là khách hàng ruột. Năm qua, ông Sáu thu hoạch được khoảng 100 tấn, mỗi năm ông thu về khoảng 5 tỉ đồng.
Trong khi đó, ông Tạ Đình Đào ở khu 5B và anh Bùi Văn Tiến khu 3, thị trấn Cao Phong, từ hai bàn tay trắng, qua quá trình vun đắp những cây cam, đã đem về hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.
Cam cao phong. |
Cũng ở thị trấn Cao Phong, người người đều biết bà Đặng Thị Thu, ông Trần Văn Tuyên, Nguyễn Hồng Lâm, Nguyễn Thế Bình… đều có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ cam.
Hay như ở xã Đại Minh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), vợ chồng ông Nguyễn Tổng, từng làm nghề buôn bán trái cây khắp các tỉnh miền Nam, vẫn khó khăn, đã về quê lập nghiệp. Năm 2017, ông Nguyễn Tổng cải tạo diện tích đất lúa, trồng cây ăn quả. Năm 2019, ông vay ngân hàng 400 triệu đồng để mở rộng trồng cây ăn quả trên diện tích 20.000m2, như: bưởi da xanh, ổi, chôm chôm, xoài, chanh… Tới nay, đều đặn mỗi năm ông Tống thu được 300-400 triệu đồng lợi nhuận.
Việt Nam có 5/15 loại trái cây hiếm, ngon nhất thế giới
Trong danh sách 15 trái cây ngon nhất thế giới, Việt Nam góp mặt 5 loại đó là: Măng cụt, Tầm bóp, Sầu riêng, Chôm chôm, Mãng cầu xiêm. Những loại quả này đều có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ và giúp hỗ trợ phòng ngừa nhiều loại bệnh.
Măng cụt chứa một lượng calo vừa phải. Trong mỗi 100g măng cụt chứa khoảng 73 Kcal. Quả măng cụt không chứa chất béo bão hòa hoặc cholesterol. Đồng thời, măng cụt giàu chất xơ, các vitamin và khoáng chất cần thiết. Vitamin C trong măng cụt cũng giúp loại bỏ các gốc tự do có hại, gây viêm.
Quả sầu riêng được xem như là "vua của các loại trái cây". Múi sầu có mùi đặc trưng, nặng và nồng, ngay cả khi vỏ quả còn nguyên. Dù có mùi khó ngửi, sầu riêng lại có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Loại quả này còn có tác dụng cải thiện sức mạnh cơ bắp, làm đẹp da và hỗ trợ giảm huyết áp.
Quả tầm bóp mọc hoang ở khắp nơi, thường là trên bờ ruộng hoặc bãi đất hoang. Trong 100g quả tầm bóp có 80% là cacbohydrat, 12% là protein, 8% là chất béo. Quả tầm bóp chứa hàm lượng vitamin C lớn, giúp tránh xa các gốc tự do ảnh hưởng đến mạch máu, giảm thiểu các vấn đề gây ra bệnh tim mạch. Hàm lượng vitamin A, C trong quả tầm bóp hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol trong máu hiệu quả, tránh được các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não.
Chôm chôm có phần cùi trắng thơm ngọt. Với hàm lượng chất xơ cao và ít calo, chôm chôm được các các chuyên gia khuyên thích hợp là món ăn kiêng, giảm cân lành mạnh.
Mãng cầu xiêm chứa vitamin thiết yếu, chất chống oxy hóa và khoáng chất. Loại trái cây này có đặc tính giúp loại bỏ các yếu tố độc hại trong cơ thể, giúp cân bằng huyết áp và ổn định nhịp tim./.
Cách chọn trái cây tươi ngon, an toàn Làm thế nào để chọn trái cây tươi ngon và an toàn? Đó là câu hỏi của người tiêu dùng mỗi khi chọn mua trái cây tại chợ hay siêu thị. Dưới đây là cách để giúp bạn lựa chọn trái cây ngon. Dưa hấu Cách đơn giản nhất là hãy để dưa hấu cách xa tai của bạn khoảng 5cm rồi vỗ vào nếu có tiếng "bộp bộp" vang thanh thì đó là dưa hấu ngon. Dưa hấu ngon, an toàn có vỏ dưa trơn bóng, hoa văn rõ ràng, đường vân sắc nét, dưới đáy hơi vàng. Ngược lại, dưa tiêm hóa chất ép chín nhanh còn có lớp lông nhung bên ngoài, vỏ sẫm màu, hoa văn mờ nhạt vì chưa chín. Xoài Nên chọn những trái xoài có vỏ đẹp, căng bóng, không bị sần sùi, xây xước, không bị thâm đen. Ngoài ra, bạn có thể cấu vào cuống xoài rồi ngửi. Nếu có mùi thơm và có nhựa tức là trái xoài này còn tươi, không có chất bảo quản. Táo Bạn nên chọn những trái táo có màu đỏ sẫm và đều màu. Ngoài ra, trên vỏ táo có xuất hiện nhiều đốm nhỏ màu trắng thì càng tốt. Cuống táo cũng là cách để bạn chọn táo ngon. Nên chọn những trái có cuống táo còn mới, không bị héo. Bưởi, cam, quýt Bưởi, cam thường có cách chọn khá giống nhau, bạn nên chọn có lớp vỏ mỏng, bóng, sáng, màu xanh nhưng không được quá xanh. Đối với bưởi kiểm tra vỏ bưởi dày hay mỏng, bạn có thể dùng đầu ngón tay búng nhẹ vào vỏ bưởi, nếu nghe thấy tiếng ‘bốp bốp’ thì trái bưởi đó có vỏ dày, còn nếu có tiếng ‘cạch cạch’ thì vỏ bưởi mỏng nên mua. Còn với cam, quýt ngon chúng ta nên bóp nhẹ phần vỏ xem có phần dầu tiết ra ngoài hay không, nếu có thì đó chính là những quả tươi. Phần cuống của cam, quýt bị lõm xuống đó chính là những quả mọng. |