Không để tâm đến chuyện lợi lộc
Ông rất nghiêm khắc trong chuyên môn, đôi khi mấy anh thầy thuốc Tây lớ ngớ trong công việc cũng bị bác sĩ Di “quạt” ra trò. Hồ Đắc Di lại là người thâm thúy, nói chuyện rất hài hước khiến mọi người hết sức kính trọng ông, đặc biệt là cánh sinh viên. Mới ngoài ba mươi tuổi, ông đã được tôn xưng một cách trọng vọng là “Cụ Di”. Năm 1938, khi chàng sinh viên Tôn Thất Tùng đỗ nội trú, bác sĩ Hồ Đắc Di chính là người truyền thụ cho anh tất cả những kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp mà ông có được sau nhiều năm trong nghề phẫu thuật. Ông dìu dắt, kèm cặp anh đi từ những ca dễ đến khó, khuyến khích tính độc lập sáng tạo và chỉ can thiệp khi thật cần thiết. Nhờ sự tận tình chỉ bảo của “Cụ Di” và giáo sư Meyer May, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã nhanh chóng trưởng thành. Sau này, dù được trao giải thưởng quốc tế về phẫu thuật, được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và trở thành một nhà bác học tầm cỡ thế giới, giáo sư Tôn Thất Tùng cũng không bao giờ quên “Cụ Di", người thầy đầu tiên của ông.
Mối quan hệ giữa hai nhà trí thức này cũng rất đặc biệt. Họ không chỉ là thầy trò, đồng nghiệp mà còn là chỗ anh em họ hàng. Anh cả của giáo sư Hồ Đắc Di, ông Hồ Đắc Khải kết hôn với bà Tôn Nữ Thị Khâm, chị gái giáo sư Tôn Thất Tùng. Vợ giáo sư Hồ Đắc Di, bà Vi Thị Kim Phú lại là em ruột bà Vi Thị Kim Ngọc, vợ nhà Dân tộc học, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, hai bà lại là cô của bà Vi Thị Nguyệt Hồ (vợ giáo sư Tôn Thất Tùng).
Gia đình hai ông luôn chia sẻ no đói có nhau, suốt từ thời trước cách mạng, trong kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc cho đến thời bao cấp sau này cũng vậy. Tuy nhiên, trong công việc họ đều rất độc lập và đam mê, không hề để tâm đến chuyện lợi lộc. Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh mang tiền hay gà vịt đến nhà biếu xén đều bị giáo sư Hồ Đắc Di gắt om rồi đuổi đi. Cho đến giờ, nhiều người vẫn chưa quên chuyện hai giáo sư Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng mở phòng mạch. Số là có một vị bác sĩ thấy hai ông rất tinh về chuyên môn nhưng lại tỏ ra rất khù khờ trong việc kiếm tiền, trong khi nhà lại đông miệng ăn, bèn giúp đỡ bằng cách cho mượn cơ sở của mình ở Ngõ Trạm. Nghe tin giáo sư Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng mở phòng khám, dân tình ùn ùn kéo đến rất đông. Nhưng phòng mạch chỉ hoạt động được có hơn một tháng đã phải đóng cửa vì “hoạt động kinh tế kém”.
Không thể phủ nhận tài năng, công lao của bác sĩ Hồ Đắc Di trong công việc ở bệnh viện cũng như thông qua hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị được công bố cả ở trong và ngoài nước, Hội đồng giáo sư Trường Đại học Y Hà Nội gồm toàn các giáo sư người pháp đã nhất trí phong giáo sư cho ông. Tuy nhiên, trước sự miệt thị và tình trạng phân biệt đối xử một các trắng trợn giữa người Pháp và người bản xứ, cử chỉ này cũng không xoa dịu được nỗi bất bình âm ỉ đang ngày càng lớn dần trong giới trí thức Việt Nam nói chung và trong lòng bác sĩ Hồ Đắc Di nói riêng. Tại Bệnh viện Phủ Doãn, mặc dù phần lớn các hoạt động nghiệp vụ do ba bác sĩ người Việt là Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng và Vũ Đình Tụng phụ trách nhưng họ vẫn phải chịu sự kỳ thị của người Pháp. Bác sĩ Hồ Đắc Di chua chát tâm sự: “Tư tưởng của tôi không có lối thoát, tôi cảm thấy mình bất lực. Là một thầy thuốc, tôi đã trở thành một người bệnh: Người bệnh về tâm hồn... chung quy chỉ tại mình là một người dân mất nước”.
Không bao giờ hoài nghi sự lựa chọn
Cuộc cách mạng tháng 8/1945 tựa như một luồng gió mới thổi qua khắp các nẻo trên đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng tràn ngập không khí hân hoan tự hào, bừng lên nét rạng rỡ trên bao khuôn mặt. Giống như những người khác, bác sĩ Hồ Đắc Di say sưa hít thở bầu không khí tự do. Ông càng xúc động và vui mừng khôn xiết khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sang sảng đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong ngày 2/9 tại quảng trường gần Phủ toàn quyền chính là ông Nguyễn Ái Quốc, nhà yêu nước từng gây chấn động dư luận khi đưa ra tám yêu sách đòi quyền lợi cho dân tộc Việt Nam tại Hội nghị Versaille năm nào. Thời còn học ở Paris, con người ấy đã để lại sự khâm phục trong Hồ Đắc Di khi ông được nghe kể về những hoạt động và đọc những tác phẩm của Người. Ông từng tham gia bán Báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn và đã hơn một lần may mắn được nhìn thấy chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường và ông Nguyễn Ái Quốc tại trụ sở Hội Sinh viên Việt Nam ở phố Sommerard. Giờ đây, Người đã về lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng trời long đất lở, trở thành người đứng đầu nước Việt Nam độc lập.
Đến nay có thể có người vẫn không thể hình dung nổi tình thế hiểm nghèo trong năm 1946, các đảng phái nhan nhản hô hào, lòng người nao núng chưa biết trông vào đâu. Trong bối cảnh như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự điềm tĩnh kỳ lạ, bằng nhãn quan nhìn xa trông rộng, bằng hành động khôn ngoan sáng suốt và trên hết là tấm gương đạo đức cao cả đã cảm hóa được nhiều trí thức lớn ra giúp dân giúp nước. Trong những ngày ấy, vị nguyên thủ giản dị trong bộ quần áo ka ki, cổ vắt một chiếc khăn mặt thường lui đến nhà hai bác sĩ Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng cạnh Bệnh viện Phủ Doãn. Người đến trao đổi tình hình một cách rất đỗi thân mật, cùng ăn cháo hưởng ứng phong trào “hũ gạo cứu đói” ngày thứ sáu với gia đình hai ông. Hồ Đắc Di đã tin và theo cách mạng bởi cái đức của vị lãnh tụ. Và khi đã tin, ông không bao giờ hoài nghi sự lựa chọn của mình.
Những ngày đầu cách mạng, bác sĩ Hồ Đắc Di được Bác Hồ và Chính phủ giao cho nhiều trọng trách. Ông vừa làm Giám đốc Trường Đại học Y, Tổng Thanh tra y tế vừa làm Giám đốc Đại học vụ và Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy. Một trong những việc đầu tiên của ông là bắt tay xây dựng trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Không khí căng thẳng như lò thuốc súng đã bùng nổ sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả một dân tộc không chịu sống quỳ đã cầm vũ khí vùng đứng lên. Bác sĩ Hồ Đắc Di cùng gia đình hòa vào dòng người gồng gánh rời Hà Nội với những phố phường “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, bỏ lại cuộc sống tiện nghi chốn đô thành, lên đường bắt đầu cuộc kháng chiến 3.000 ngày.
(còn nữa)