Hiểu rõ về hiệu quả văcxin và miễn dịch cộng đồng

(khoahocdoisong.vn) - Mục tiêu của tiêm văcxin là tạo ra một cộng đồng miễn dịch. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, một số phần trăm dân số nên được tiêm chủng hay bị nhiễm. Tùy vào cách tính, con số này có thể dao động từ 30 - 83%.

Hiệu quả thử nghiệm khác hiệu quả cộng đồng

Thuật ngữ khoa học gọi hiệu quả văcxin trong cộng đồng là "effectiveness", còn trong thử nghiệm lâm sàng là "efficacy". Đối với người làm hoạch định chiến lược y tế, effectiveness quan trọng hơn efficacy.

Để các bạn biết cách người ta tính hiệu quả văcxin tôi mô tả đơn giản như sau:

• Trước hết, tính xác suất nhiễm trong nhóm văcxin, gọi là P1;

• Sau đó, tính tính xác suất nhiễm trong nhóm chứng, gọi là P0;

• Và hiệu quả văcxin được ước tính là VE = 1 - (P1 / P0).

Nhưng vì thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi tình nguyện viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn chọn vào và tiêu chuẩn loại trừ rất khắt khe, chẳng hạn như trong các nghiên cứu như thế, họ chỉ chọn những người khoẻ mạnh (như nhân viên y tế chẳng hạn). Tức là P0 của họ thường thấp và do đó hiệu quả văcxin (VE) thường cao hơn thực tế.

Có người trích dẫn con số hiệu quả văcxin Sinopharm có hiệu quả cao hơn 1.5 lần so với văcxin của Sinovac. Cách so sánh này là hoàn toàn sai.

Sai là vì các quần thể tình nguyện viên của mỗi thử nghiệm lâm sàng hoàn toàn độc lập với nhau. Tỷ lệ nhiễm trong mỗi quần thể cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu. Đặc điểm bệnh lý và hồ sơ sức khoẻ của các tình nguyện viên cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu. Quan trọng hơn là tiêu chuẩn để định nghĩa thế nào là nhiễm rất khác nhau giữa nghiên cứu Sinopharm và Sinovac. Vì những khác biệt đó, không thể so sánh hiệu quả văcxin giữa các thử nghiệm lâm sàng.

"Thực tế" là gì? Thực tế ở đây có nghĩa là nếu văcxin được triển khai trong cộng đồng. Trong cộng đồng có rất nhiều những nhóm người khác nhau về hồ sơ sức khoẻ. Chẳng hạn như có nhóm người khoẻ mạnh, nhóm người cao tuổi, nhóm người mắc những bệnh nền... Thành ra, hiệu quả văcxin trong cộng đồng phản ảnh đúng thực tế hơn là trong thử nghiệm lâm sàng.

Vậy hiệu quả trong cộng đồng của các văcxin ra sao? Rất khó có câu trả lời cho câu hỏi này, bởi vì việc triển khai tiêm văcxin đại trà chỉ mới thực hiện từ khoảng tháng 3/2021. Có vài quốc gia (như Chile chẳng hạn) làm sớm hơn, nhưng thời gian cũng chỉ trên dưới 1 năm. Tuy nhiên, tôi cũng đã cố công điểm qua những nghiên cứu như thế để có câu trả lời (xem Bảng số 1).

(a) Về giảm lây nhiễm, chúng ta thấy rõ ràng là các văcxin như Pfizer, Moderna, AZ và cả CoronaVac có hiệu quả giống nhau, sau khi đã hiệu chỉnh cho dao động mẫu. Các văcxin vừa kể giảm nguy cơ lây nhiễm chừng 60 - 75%.

(b) Về giảm nguy cơ nhập viện, các văcxin đều có hiệu quả tuyệt vời. Nhưng về con số thì khác nhau, từ 43% (Pfizer) đến 94% (AZ).

(c) Về giảm nguy cơ tử vong, văcxin Pfizer có hiệu quả cộng đồng rất tốt, giảm nguy cơ tử vong đến 72%. Ngay cả CoronaVac qua báo cáo ở Chile cũng giảm nguy cơ tử vong đến 86%.

Hiệu quả của văcxin.

Hiệu quả của văcxin.

Ý nghĩa miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hệ số lây lan

Mục tiêu của tiêm văcxin là tạo ra một cộng đồng miễn dịch. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, một số phần trăm dân số nên được tiêm chủng hay bị nhiễm. Ở Việt Nam con số phần trăm đó hay được nhắc đến là 70%, nhưng tôi không rõ lý do và cách tính toán ra sao. Tùy vào cách tính, con số này có thể dao động từ 30 - 83%.

Con số phần trăm (tạm ký hiệu P) để đạt miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào 2 tham số: Hệ số lây lan (R) và hiệu quả của văcxin (VE). Công thức rất đơn giản: P = (1 - 1/R)/VE.

Hệ số lây lan dao động lớn giữa các quần thể và ở Việt Nam, theo ước tính từ số ca dương tính ở TPHCM, thì R có thể dao động trong khoảng 1.23 - 1.50. Nếu hiệu quả văcxin là 60% (tức VE = 0.6, con số của AZ) thì P = 0.31, tức 31% dân số cần phải được tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng với điều kiện R = 1.23.

Tuy nhiên, nếu R = 1.50, thì phải tiêm chủng AZ cho 56% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. Còn nếu R = 2.0 thì phải tiêm chủng cho 83% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. Hệ số lây lan rất quan trọng. Biện pháp để giảm hệ số lây lan chủ yếu là giãn cách xã hội. Ý nghĩa của những tính toán trên là: Song song với triển khai tiêm văcxin vẫn phải duy trì giãn cách xã hội để đạt miễn dịch cộng đồng.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia)

Theo Đời sống
Dậy người dân tự chữa bệnh, bác sĩ được tấn phong Tiến sĩ danh dự AIU

Bác sĩ Dư Quang Châu được tấn phong Tiến sĩ danh dự AIU

Với nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đưa các phương pháp chữa bệnh thiết thực cho người dân trong nước và quốc tế, BS Dư Quang Châu được Trường Đại học Quốc tế Mỹ tấn phong Tiến sĩ.
back to top