Hệ sinh thái Phú Hồng Thịnh thần tốc thâu tóm đất vàng Bình Dương

Chỉ trong vòng 4 năm, các công ty thuộc nhóm Công ty Phú Hồng Thịnh đã được giao hàng loạt khu đất và nhóm doanh nghiệp này thực hiện phân lô, bán nền cho người dân.

Nhóm doanh nghiệp thân hữu

Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh (Phú Hồng Thịnh) được thành lập từ tháng 5/2013 có trụ sở tại Bình Dương với vốn điều lệ tính đến cuối năm 2020 ở mức 250 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này bao gồm bà Phạm Thị Hường nắm 88,6%, ông Phạm Hữu Đức là người đại diện pháp luật nắm 11%, còn 0,4% thuộc về Lê Thị Thúy Phượng.

Ngoài Phú Hồng Thịnh, bà Hường hiện đứng tên tại một loạt pháp nhân gồm: Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam (Đô thị Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Phong (Phú Phong), Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Chợ Phú Phong, CTCP Đầu tư bất động sản Giang Nam (Giang Nam).

Theo tìm hiểu, hiện nhóm công ty này của bà Hường hiện đang nắm khoảng 50ha đất trên địa bàn Bình Dương.

Chỉ trong giai đoạn từ 1/1/2016 – 15/10/2018, riêng nhóm Phú Hồng Thịnh đã có tới 9/53 dự án nhà ở thương mại được UBND tỉnh Bình Dương cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, gồm các dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh (đánh số thứ tự từ 1 - 10); Phú Hồng Khang (3,4ha); Phú Hồng Lộc (2,5ha); Phú Hồng Phát (2,7ha); Phú Gia Huy (3,7ha); Phú Gia (2,6ha); chung cư Phú Hồng Thịnh (0,6ha)...

Riêng công ty Phú Hồng Thịnh được chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án, bao gồm: Các khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh III, VI, VIII, IX, X; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát. Các dự án này có tổng diện tích 32,8ha, với 2.630 căn hộ, tổng vốn đầu tư lên tới 2.109 tỷ đồng.

Giao đất “đúng quy trình”?

Trước đó, trong 2 năm (2019 và 2020), UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với 17 dự án của 4 công ty do gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ.

Kết quả thanh tra, nguồn gốc đất của các dự án là đất nhà máy, xí nghiệp thuê đất của Nhà nước để sản xuất kinh doanh. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền thuê đất sản xuất, các công ty do gia đình bà Hường làm chủ đã xin lập dự án nhà ở thương mại và nhanh chóng được các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương chấp thuận theo đúng quy định.

Theo quy hoạch tổng thể, nhiều dự án có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội nhưng gia đình bà Hường đã xin điều chỉnh thành đất nhà ở thương mại. Tất cả đều được các cấp thẩm quyền của tỉnh Bình Dương nhanh chóng chấp thuận.

Cụ thể, tại dự án Phú Hồng Thịnh 8, tháng 1/2018, dựa trên đề nghị của Sở TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã ký quyết định thu hồi 72.994m2 đất của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Ý Mỹ, giao đất cho Phú Hồng Thịnh để chuyển mục đích sử dụng đất làm dự án khu nhà ở thương mại.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương cho phép Công ty Phú Hồng Thịnh chuyển mục đích sử dụng 26.399m2 đất với hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, trong đó có 2.567m2 đất khu vui chơi giải trí công cộng (đất công viên) và 23.832m2 đất giao thông để làm dự án. Diện tích còn lại, UBND tỉnh Bình Dương giao đất có thu tiền sử dụng đất ở tại đô thị 44.682m2 và 1.912m2 cho chuyển mục đích sử dụng với hình thức Nhà nước giao cho thuê đất trả tiền một lần đối với đất giáo dục.

Hay tại dự án Phú Hồng Thịnh 9, UBND Bình Dương cũng thu hồi 2.000m2 đất do UBND phường Bình An (TP Dĩ An, Bình Dương) quản lý và 45.694m2 đất của Công ty CP trang trí nội thất Hiệp Hòa Phát giao cho Công ty Phú Hồng Thịnh làm dự án khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 9.

Dự án khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh 10 cũng được UBND tỉnh Bình Dương thu hồi 51.466m2 đất của Công ty CP vật tư thiết bị và xây dựng công trình 624 giao cho Công ty Phú Hồng Thịnh…

Tuy nhiên, gần như cùng lúc với kết luận của thanh tra Tỉnh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ về giao đất cho nhóm công ty của bà Hường.

Nhưng mãi đến nay, đã gần 2 năm khi Cảnh sát điều tra yêu cầu cung cấp hồ sơ, vẫn chưa hề có thông tin gì về việc giao đất này.

Trước đó, cuối năm 2014, Chủ tịch tỉnh Bình Dương - ông Lê Thanh Cung đã ký kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND về những sai phạm phân lô bán nền của nhóm bà Hường tại 9 khu đất nông nghiệp tại thị xã (nay là Thành phố thuộc Tỉnh) Thuận An có tổng diện tích 101.353m2, chuyển công an điều tra, xác minh. Nhưng đến thời ông Trần Văn Nam lên làm Chủ tịch tỉnh, vụ việc sai phạm nghiêm trọng này đã bị… “chìm xuồng” và từ đây Phú Hồng Thịnh ngày càng bành trướng thâu tóm đất Bình Dương.

Dù có nhiều dự án nghìn tỷ, nhưng quy mô của Phú Hồng Thịnh lại rất khiêm tốn và đang có xu hướng thu hẹp. Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản này chỉ đạt hơn 345 tỷ đồng, giảm gần 35% so với một năm trước.

Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2019, quy mô tài sản của Phú Hồng Thịnh liên tục mở rộng, nhưng cũng chỉ dừng ở mức cao nhất là 528 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của Phú Hồng Thịnh cũng không mấy nổi bật với doanh thu có xu hướng giảm dần qua từng năm, cao nhất chỉ là 465 tỷ đồng năm 2018.

Lợi nhuận của Phú Hồng Thịnh thường xuyên chỉ duy trì ở mức rất thấp, vỏn vẹn vài tỷ đồng. Năm 2017 ghi nhận lãi lớn nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 6,5 tỷ đồng lợi nhuận thuần. Năm 2018, tuy có doanh thu cao nhất giai đoạn, nhưng lợi nhuận thuần chỉ 3 tỷ đồng.

Tại Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam (Đô thị Việt Nam), dù có năm 2020 có tổng tài sản đạt gần 1.000 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi 5,4 tỷ đồng dù doanh thu đạt 300 tỷ đồng.

Theo Đời sống
Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những năm gần dây, nhà cấp 4 2 phòng ngủ thiết kế đơn giản, mang hơi hướng hiện đại làm toát lên vẻ đẹp tinh tế. Nhà cấp 4 với 2 phòng ngủ được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và chi phí xây dựng thấp. 
back to top