Hé lộ về Công ty VFS thẩm định "thổi giá" thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 31/8/2020 bị can Trần Lê Hoàng - thẩm định viên VFS đã bị khởi tố do liên quan đến vụ án hình sự “thổi giá” thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông Trần Lê Hoàng còn được biết là Phó Tổng Giám đốc Công ty VFS. Trước đó ít ngày, bà Phan Minh Dung - Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật của VFS cũng đã kịp rời khỏi vị trí này, thay vào đó là một nhân sự trẻ tuổi khác.
Bị can Trần Lê Hoàng trong vụ "thổi giá" thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai, còn được biết đến là Phó Tổng Giám đốc VFS. (Ảnh: Bộ Công an).

Bị can Trần Lê Hoàng trong vụ "thổi giá" thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai, còn được biết đến là Phó Tổng Giám đốc VFS. (Ảnh: Bộ Công an).

Lãnh đạo VFS liên quan thế nào?

Trong vụ “thổi giá” thiết bị y tế (hệ thống Robot Rosa) xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, “ăn chặn” tiền của bệnh nhân, ngoài vi phạm lớn về hình sự đến từ Công ty CP Công nghệ y tế BMS với vai trò là bên bán thiết bị y tế, thì phải nhắc đến “bàn tay giúp sức” của Công ty CP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) với vai trò của bên thẩm định giá.

Thực tế cho thấy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố các bị can là lãnh đạo Công ty CP Công nghệ y tế BMS, đồng thời cũng khởi tố bị can Trần Lê Hoàng (SN 1978) là thẩm định viên thuộc Công ty VFS.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bị can Trần Lê Hoàng không chỉ là thẩm định viên mà còn là Phó Tổng Giám đốc Công ty VFS.

Công ty VFS vốn là Trung tâm tư vấn Dịch vụ Thẩm định giá và Bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tài chính Hà Nội được UBND TP Hà Nội thành lập năm 2005. Đến năm 2008 được chuyển đổi thành Công ty CP Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Kể từ đó VFS đã ký được nhiều hợp đồng thẩm định giá và bán đấu giá tài sản. Năm 2009, VFS được Hội thẩm định giá Việt Nam trao tặng cúp vàng đơn vị xuất sắc ngành thẩm định giá Việt Nam. Năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển thị trường Thẩm định giá Việt Nam.

Đó là những thành tích giai đoạn trước. Còn sau giai đoạn UBND TP Hà Nội thoái hoàn toàn vốn nhà nước, thì VFS có đội ngũ nhân sự lãnh đạo mới, cũng như biến chuyển trong hoạt động.

Cuối năm 2015, UBND TP Hà Nội bắt đầu thực hiện các thủ tục cần thiết để thoái vốn nhà nước tại VFS. Thời điểm này VFS có vốn điều lệ là 1,5 tỷ đồng, mệnh giá 10.000đ/cổ phần, gồm 25 cổ đông. Trong đó UBND TP Hà Nội nắm giữ 130.300 cổ phần (1,303 tỷ đồng), tương đương 86,87% cổ phần, còn lại 13,13% cổ phần do các cá nhân khác nắm giữ.

Tháng 10/2015 UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho phép thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại VFS, với giá khởi điểm chào bán là 10.156đ/cổ phần. Kết quả cho thấy đã có 02 nhà đầu tư là cá nhân mua toàn bộ số cổ phần nhà nước trên với tổng giá trị là 6,840 tỷ đồng, giá chào mua thành công là 52.500đ/cổ phần.

Tìm hiểu cho thấy, Hội đồng quản trị (HĐQT) trước thời điểm thoái vốn nhà nước tại VFS bao gồm ông: Nguyễn Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Trọng Bình - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Hữu Bình - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc.

Đến tháng 12/2016 VFS đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Trong đó trình phương án miễn nhiệm tất cả các thành viên HĐQT trên và bầu mới HĐQT nhiệm kỳ 2014 - 2019, bao gồm 5 thành viên. Trong đó đáng chú ý có bà Phan Minh Dung (SN 1973) và ông Trần Lê Hoàng (SN 1978). Hai cá nhân này vốn đều là thẩm định viên của VFS nhưng trước đó đều không nằm trong HĐQT của doanh nghiệp này.

Nên biết rằng, bà Phan Minh Dung tham gia vào Ban lãnh đạo VFS từ tháng 3/2016 tức là ngay sau thời điểm thoái vốn nhà nước hoàn tất. Kể từ thời điểm này bà Phan Minh Dung bắt đầu giữ vai trò là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của VFS thay cho ông Nguyễn Quang Hùng.

Bên cạnh đó, ông Trần Lê Hoàng đến nay cũng ghi nhận giữ chức Phó Tổng Giám đốc VFS. Điều này cho thấy sự tham gia “sâu” vào vị trí nhân sự lãnh đạo cấp cao tại VFS của hai nhân sự này thời điểm sau thoái vốn nhà nước.

Đáng chú ý hơn, ngày 31/8/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố đối với ông Trần Lê Hoàng do liên quan đến vụ án hình sự “thổi giá” thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, thì trước đó 07 ngày tức là ngày 24/08/2020 VFS cũng đăng ký thay đổi thông tin trong đó bà Phan Minh Dung cũng đã rời vị trí Tổng Giám đốc thay thế vào đó là ông Nguyễn Đình Thảo (SN 1984).

Không chỉ “chèo lái” VFS những năm gần đây, “cặp nhân sự” lãnh đạo của VFS này còn thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và đầu tư Sao Hà Nội. Riêng cá nhân ông Trần Lê Hoàng còn đóng góp 57,14% cổ phần để thành lập Công ty TNHH Thẩm định giá và tư vấn Hà Nội.

Dù đã hoàn thành thoái vốn nhà nước nhưng đến nay Công ty VFS vẫn đặt trụ sở chính tại 37 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Dù đã hoàn thành thoái vốn nhà nước nhưng đến nay Công ty VFS vẫn đặt trụ sở chính tại 37 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

“Đất vàng” được xác định giá trị thế nào?

Công ty VFS có hoạt động chính là thẩm định giá trị hàng hóa, máy móc thiết bị. Thẩm định thương hiệu, bất động sản, giá trị doanh nghiệp; đấu giá hàng hóa, bất động sản, cổ phần; dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về kinh tế, thị trường, giá cả, kinh tế tài chính. Trong đó có thẩm định tài sản thanh lý với những tài sản văn phòng, tài sản thu hồi của các Ban quản lý dự án, các đơn vị sự nghiệp, một số doanh nghiệp nhà nước.

Tìm hiểu cho thấy, VFS còn thường xuyên tham gia và trúng các gói thầu thẩm định của các Ban quản lý dự án thuộc UBND TP Hà Nội. Như tháng 6/2018, VFS trúng thầu theo hình thức chỉ định gói Tư vấn thẩm định giá một số loại vật tư không có trong thông báo liên sở Xây dựng - tài chính thuộc dự án xây dựng mới cầu Ngà trên đường 70, Q. Nam Từ Liêm của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, với giá thực hiện là 4,151 triệu đồng.

Ngày 02/10/2018 VFS cũng trúng theo hình thức chỉ định thầu gói thầu số 9: Tư vấn thẩm định giá thiết bị thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội với giá chỉ định thầu là 18,608 triệu đồng.

Hay ngày 18/10/2018, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 11: tư vấn thẩm định giá thiết bị dự án Cải tạo, nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm, kiên cố hóa bờ kênh trục chính Thanh Điềm kết hợp làm đường giao thông. Theo đó VFS đã trúng thầu, cũng theo hình thức chỉ định thầu với giá chỉ định thầu là 19,814 triệu đồng.

VFS vẫn đang đặt trụ sở chính tại khu “đất vàng” số 37 Lý Thường Kiệt, TP Hà Nội. Bởi vào năm 2008, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao Sở Tài chính quyết định sử dụng một phần diện tích nhà làm việc tại 37 Lý Thường Kiệt giao VFS làm trụ sở làm việc (không tính giá trị tài sản vào giá trị vốn nhà nước tại Công ty).

Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, do vướng mắc trong cơ chế chính sách nên đến thời điểm tiến hành các thủ tục thoái vốn nhà nước tòa nhà 37 Lý Thường Kiệt vẫn chưa được quyết toán công trình và việc quyết định xác định giá trị tài sản thuộc phần sử dụng của Công ty VFS vào giá trị vốn nhà nước đang được xem xét.

Theo Đời sống
back to top