Hậu Covid-19: Bất động sản du lịch có hy vọng tăng tốc

(khoahocdoisong.vn) - Chống dịch Covid-19 thành công, Việt Nam còn tạo ra bước đệm cho sự phục hồi kinh tế đất nước, đặc biệt là trong ngành du lịch nói chung và bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng nói riêng.

Bước đệm cho phục hồi

Ngay sau khi lệnh cách ly toàn xã hội được gỡ bỏ, dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, ngành du lịch đã lập tức “thức tỉnh” sau hơn 2 tháng đóng cửa “ngủ đông”. Do chưa thể mở cửa với khách quốc tế, một cuộc kích cầu nội địa khổng lồ đã được kích hoạt nhằm khai thác thị trường đang chiếm tới khoảng 82% tổng số khách du lịch hiện nay.

BĐS du lịch đang bắt đầu chuyển mình “phá băng” sau thời gian bị nén lại bởi dịch Covid-19.

BĐS du lịch đang bắt đầu chuyển mình “phá băng” sau thời gian bị nén lại bởi dịch Covid-19.

Mới đây, tại hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - thuộc  Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ - phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức, ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban IV - Chủ tịch TAB, dự báo thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong 7 tháng còn lại của năm 2020. Cơ sở cho dự báo này dựa trên ước tính khoảng 16 triệu người Việt có thể đi du lịch nước ngoài trong năm nay, song thị trường du lịch quốc tế gần như đã “đóng băng” nên sẽ quay về du lịch nội địa.

Trên thực tế, nhu cầu du lịch trở lại sau dịch cùng với hiệu quả của những gói ưu đãi kích cầu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đơn cử, chính sách miễn phí 100% vé vào các khu di tích được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế áp dụng ngay khi mở cửa trở lại từ ngày 30/4 – 7/5 đã giúp cố đô thu hút hơn 22.000 lượt du khách dịp lễ 30/4 – 1/5.

Cùng dịp lễ này, khoảng 23.000 du khách đã đăng ký đặt phòng qua khách sạn để đến tham quan TP Đà Lạt, khiến thành phố này thậm chí “thất thủ” do hệ thống khách sạn bị động, chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội cũng đạt hơn 21.000 lượt. Nhu cầu nghỉ dưỡng tại một số khu du lịch đạt từ khoảng 60 - 68%.

Tiềm năng lớn

Cùng với sức bật của ngành du lịch sau thời gian bị nén lại bởi dịch Covid-19, nhiều ngành nghề khác cũng đã bắt đầu chuyển mình “phá băng”, trong đó phải kể đến bất động sản (BĐS) du lịch.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Đoàn Văn Bình nhận định, cùng với khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch, BĐS du lịch sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh. Những nỗ lực và cách thức Việt Nam chống dịch vừa qua đã “ghi điểm” rất lớn trong mắt cộng đồng quốc tế.

“Nổi lên là điểm đến an toàn, nhóm BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng. Trước hết, dựa trên nhu cầu nội địa và sau đó từ các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc khi dần mở cửa trở lại thị trường quốc tế”, ông Bình nói.

Khi Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, nhóm BĐS nghỉ dưỡng sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng.

Khi Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, nhóm BĐS nghỉ dưỡng sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng.

Bên cạnh đó, hàng loạt các động thái nới lỏng chính sách và chỉ thị ưu đãi dành cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư đã được Chính phủ ban hành. Bao gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và các quyết nghị liên quan đến việc yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư… 

Đặc biệt, vào tháng 2/2020, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã có Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ, gửi Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, bao gồm một số loại hình mới gồm căn hộ condotel, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)…

Theo đó, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức rà soát các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng đã được phê duyệt, để xác định các trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, theo trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định của pháp luật về đất đai cho người nhận chuyển nhượng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng với thời hạn tối đa 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, thời gian qua, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng gặp nhiều khó khăn chủ yếu do một số dự án đầu tư không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên đến nay, pháp lý của condotel đã được công nhận, cơ quan quản lý đã có ý kiến cấp sổ đỏ có thời hạn cho chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp, gỡ được nút thắt cho cả biệt thự du lịch và căn hộ du lịch. Các địa phương, nếu áp dụng đúng luật Đất đai 2013, cũng hoàn toàn có thể cấp sổ đỏ có thời hạn cho căn hộ condotel.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho biết, hiện nay tất cả mọi kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, các kênh đầu tư trực tiếp đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong tương lai, có 2 kênh đầu tư sẽ phát triển mạnh và hấp dẫn, đó là vàng và BĐS. Trong đó, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng chắc chắn phát triển mạnh mẽ.

Ông Hiếu phân tích: Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, kéo theo giá BĐS ngày càng tăng cao. Các phân khúc BĐS thương mại, nhà ở hay công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tốc độ phát triển của kinh tế nội địa, trong khi BĐS nghỉ dưỡng còn phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế thế giới.

“Với những tiềm năng và định hướng phát triển trong tương lai đã được xác định rõ, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh, tiềm năng lớn của BĐS nghỉ dưỡng là điều không còn phải bàn cãi”, ông Hiếu khẳng định.

Nhiều chuyên gia nhận định, chính sách pháp lý thuận lợi và các dự án chất lượng sẽ trở thành bộ khung vững chắc cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sau dịch Covid-19. Không chỉ vậy, sự kết hợp của các thương hiệu vận hành quốc tế với những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng cũng sẽ trở thành chất xúc tác giúp quảng bá các sản phẩm nghỉ dưỡng của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Theo Đời sống
back to top