Toàn thế giới đã sử dụng gần 1,8 tỷ liều vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Giống với bất cứ chương trình nào ở quy mô tương tự, nó xảy ra vài trục trặc. Một trong số đó là việc bỏ phí các liều vaccine Covid-19 trong quá trình vận chuyển, bảo quản hoặc tiêm chủng. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang phát triển chịu cảnh thiếu vaccine.
Hiện không có cơ sở dữ liệu tập trung về lượng vaccine bị lãng phí trên toàn cầu. Một số quốc gia thu thập dữ liệu từng địa phương, các đợt tiêu huỷ quá nhiều vaccine được cơ quan truyền thông báo cáo. Tất cả tạo nên bức tranh không đầy đủ, rất khác nhau trên toàn cầu.
Tháng 4, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết 25% lượng vaccine AstraZeneca, 20% vaccine Moderna và khoảng 7% lượng vaccine Pfizer tại nước này bị bỏ phí. Tổng cộng, Pháp vứt bỏ 1,25 triệu trong số 5 triệu liều vaccine đã mua.
Quốc gia châu Phi Malawi cũng phải tiêu hủy 20.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chúng vẫn còn sử dụng được.
Một quan chức Hong Kong hồi tháng 5 đã cảnh báo có thể đặc khu phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine Pfizer do không tiêm kịp cho người dân. 15 triệu liều vaccine Johnson & Johnson từng bị hỏng trong một sự cố từ nhà máy sản xuất.
Ngày 6/6, truyền thông Nhật Bản cho biết hơn 7.000 liều vaccine Covid-19 đã bị vứt bỏ do lỗi xử lý kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đến nay.
Ở Mỹ, tỷ lệ vaccine bỏ phí khá thấp. Tính đến 24/5, khoảng 0,44% trong số hơn 353 triệu liều vaccine bị vứt đi. Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, cho biết con số thực tế có thể lớn hơn, vào khoảng 1%. Tinglong Dai, giáo sư quản lý hoạt động và phân tích kinh doanh tại Trường Kinh doanh Johns Hopkins Carey, tin rằng lượng vaccine lãng phí lên tới 5%.
Tỷ lệ này có thể tăng theo thời gian, khi cung bắt đầu vượt quá cầu ở các nước phát triển. Nhân viên y tế bớt "nâng niu" từng liều vaccine. Người dân thấy dịch bệnh suy yếu sẽ không đến tiêm chủng như lịch hẹn, khiến vaccine đã đưa khỏi tủ đông bị thừa lại cuối ngày. Trong khi đó, nước thu nhập thấp vẫn vật lộn để giành giật vaccine.
Theo WHO, ở các đợt tiêm chủng khác, 50% số vaccine bị bỏ thừa. Mức độ ở mỗi nước khác nhau do điều kiện y tế, hệ thống kho lạnh. Giáo sư Mike Toole, người đã làm việc trong chiến dịch tiêm chủng của nhiều nước phát triển, cho biết lãng phí vaccine là không tránh khỏi trong bất cứ chương trình tiêm chủng nào. Khi không ở thời điểm khan hiếm, đây thường được coi là chi phí kinh doanh.
"Chúng tôi luôn mua thừa 20% lượng vaccine cần thiết để bù đắp phần bị bỏ phí", ông nói.
Tuy nhiên, vaccine Covid-19 là câu chuyện khác. Ngay từ đầu đợt tiêm chủng, nguồn cung đã thiếu hụt vì nhiều lý do. Các quốc gia phải chạy đua với thời gian và biến thể. Vaccine Covid-19 cũng đắt hơn thông thường.
"Chúng tôi tận dụng tối đa từng lọ vaccine", giáo sư Toole nói.
Lãng phí vaccine chia thành hai loại: trước và sau khi mở lọ. Trước khi mở nắp, vaccine có thể bị bỏ đi do sự cố bảo quản, vận chuyển. Nhiều lọ bị hết hạn hoặc để quá lâu ở nhiệt độ phòng. Khi đã mở nắp, bác sĩ đôi khi không thể sử dụng hết số dung dịch bên trong vì thiếu kim tiêm chuyên dụng. Vaccine cũng chỉ dùng được thời gian rất ngắn sau khi đã mở ra.
"Mỗi lọ thừa một ít vaccine, cuối cùng số lượng bị bỏ phí sẽ rất lớn", Sarah Schiffling, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học Liverpool John Moores, cho biết.
Sau khi mở nắp, tỷ lệ lãng phí vaccine trung bình ở lọ đơn liều là 5%, có thể lên tới 15-25% với lọ 10 liều. Vaccine AstraZeneca đóng gói trong lọ từ 8 đến 10 liều. Lọ vaccine Pfizer ban đầu tiêm được 5 liều. Hãng sau đó đã cập nhật hướng dẫn, cho biết với xi lanh chuyên dụng, có thể lấy được 6 liều từ một lọ vaccine. Đây là ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc tận dụng tối đa nguồn cung quý hiếm trong đại dịch.
Kim tiêm chuyên biệt cho vaccine Covid-19 có "không gian chết" thấp, tức là khoảng cách giữa pít-tông và đầu kim giảm đến tối thiểu. Điều này giúp lượng không khí đi vào ống tiêm ít, nhân viên y tế lấy được nhiều dung dịch vaccine hơn.
Tháng 2, Bộ trưởng Y tế Brendan Murphy cho biết Australia đã đặt hàng nhiều xi lanh chuyên dụng, song nhận định kim tiêm tiêu chuẩn vẫn hiệu quả.
Theo giáo sư Toole, tận dụng tối đa vaccine từ lọ đựng với xi lanh thông thường thực ra khá khó khăn. Vaccine Pfizer có liều lượng rất nhỏ, 0,3ml một mũi. Việc lấy được liều thứ 6 còn sót lại đòi hỏi tay nghề vững vàng, kỹ thuật tốt.
Thục Linh (Theo ABC, Quartz)