Sáng sớm 29/1, hàng trăm tăng sư, môn đệ, phật tử và người dân đã đến Tổ đình Từ Hiếu (Thừa Thiên - Huế) để dự lễ Cung Tiễn và Phát Hành cho thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Mọi người dự lễ đều tuân thủ các quy định của tổ đình, thực hiện nghi thức tâm tang. Đến 6h30, Tổ đình Từ Hiếu đọc cung tuyên tiểu sử thiền sư và lời cảm tạ của môn đồ pháp quyến.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), trụ thế 97 tuổi và 72 hạ lạp tại Tổ đình Từ Hiếu, TP.Huế.
Sau 6 ngày tiến hành tang lễ theo nghi thức tâm tang tại Tổ đình Từ Hiếu, linh cữu của thiền sư Thích Nhất Hạnh được di chuyển đến Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Vườn Địa Đàng (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) lúc 7h30 ngày 29/1 để thực hiện nghi lễ Trà tỳ (hỏa táng) theo di nguyện.
Ban giám tử Tổ đình Từ Hiếu cho biết khoảng 9h cùng ngày, lễ Trà Tỳ sẽ chính thức bắt đầu. Sau đó, các sư tăng, phật tử sẽ ngồi thiền tâm niệm cúng dường. Sau lễ Trà Tỳ, tro cốt của thiền sư được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu cùng các Trung tâm Làng Mai trên thế giới mà không phải dựng tháp.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (nay P.Thủy Xuân, TP.Huế), thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý.
Nơi nào không có bùn thì không có sen. Cũng như thế khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn.
Sen và bùn cũng như trái và phải, hễ cái trái có đó là cái phải có đó cùng một lượt. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc.
Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc), Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chọn là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật (Bụt) trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo.