Cắt ghép hình để lừa dối bệnh nhân…
Theo thông tin được công bố, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) Dạ dày Bitcoin được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp Số đăng ký sản phẩm số 1339/2018/ĐKSP cho Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam, địa chỉ tại số 106 BT2A, KĐT Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đơn vị sản xuất sản phẩm Dạ dày Bitcoin là Công ty Cổ phần Dược phẩm QD-Meliphar, địa chỉ tại thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Các clip của VTV, ANTV được cắt, ghép với hình ảnh của ông Đỗ Thế Lộc và sản phẩm Dạ dày Bitcoin. |
Hiện chưa rõ các quảng cáo này do Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam trực tiếp thực hiện hay do các đại lý phân phối hoặc đơn vị dịch vụ quảng cáo thực hiện...
Theo tìm hiểu của PV Báo KH&ĐS, hình thức quảng cáo lừa bịp này được dựng lên với vỏ bọc là Viện nghiên cứu, dùng hình ảnh của các lãnh đạo cấp cao và giả mạo các bản tin của VTV, ANTV để quảng cáo sản phẩm.
Cụ thể, Đơn vị quảng cáo đã cắt chương trình thời sự VTV1, ANTV về công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam về hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, gắn với một người gọi là TS.TTND.Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam.
Như vậy, có 3 điểm nhấn mà đơn vị quảng cáo dựa vào để lừa dối bệnh nhân là: Giả mạo VTV, ANTV… Dùng vỏ bọc Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam và hình ảnh của một chính trị gia. Mạo danh Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam.
Các nội dung lừa đảo này được đẩy lên mạng lưới Ladipage do Công ty CP Công nghệ Ladipage Việt Nam dựng code (đơn vị dựng code cho rất nhiều website lừa đảo). Tiếp đến, các nội dung trối trá này tiếp tục được quảng cáo trên Facebook, Google… khiến hàng loạt người dân sập bẫy.
Không có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo
Theo tìm hiểu của PV KH&ĐS, sản phẩm Dạ dày Bitcoin là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chứ không phải thuốc. Vì vậy, sản phẩm này không có tác dụng chữa bệnh.
Hàng loạt quảng cáo sai sự thật được tung ra khiến nhiều bệnh nhân dạ dày "sập bẫy". |
Tuy nhiên, trên mạng lưới ladipage đã tung ra hàng loạt quảng cáo với nội dung nói rõ sản phẩm Dạ dày Bitcoin có tác dụng điều trị bệnh, cắt triệu chứng đau dạ dày trong vòng 4 tuần và thậm chí là ngăn ngừa được cả bệnh ung thư dạ dày…
Để tìm hiểu thông tin về các quảng cáo trái phép nêu trên, PV KH&ĐS đã liên hệ bằng điện thoại đến Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều ngày đơn vị này vẫn chưa có giải thích nào về các quảng cáo trái phép này.
Được biết, Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam có 2 địa điểm. Một địa điểm trên đăng ký sản phẩm ở Mễ Trì. Một địa chỉ khác in trên sản phẩm tại số 456, KĐT Newhouse Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông. Đây là căn biệt thự liền kề chưa được hoàn thiện mặt ngoài. Địa điểm này cũng treo biển là Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam đã cũ màu, phía dưới vẫn ghi địa chỉ cũ tại Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.
Hiện chưa rõ các website lừa đảo này do Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam trực tiếp thực hiện hay do các đại lý phân phối thực hiện. Tuy nhiên, pháp nhân nào thì cũng phải chịu sự quản lý của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quảng cáo và các quy định liên quan.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nêu rõ: Nghiên cấm các hành vi quảng cáo cung cấp thông tin sai sự thật về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ… để lừa đảo người tiêu dùng. Tuỳ vào động cơ, hành vi lừa đảo mà có thể xem xét xử lý hình sự.
Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục phản ánh thông tin liên quan đến vụ việc này…