Số nợ lớn
Cục Thuế Đồng Nai vừa công bố danh sách doanh nghiệp nợ thuế kỳ 8/2020. Theo đó, có 64 doanh nghiệp nợ thuế bị “bêu” tên, với tổng số nợ 488,3 tỷ đồng, trong đó 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với số nợ 123,5 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách nợ thuế bị bêu tên đợt này là Công ty CP Đầu tư LDG (mã Ck: LDG) có trụ sở tại số 104/4, ấp Hòa Bình, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, nợ hơn 86,5 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp liên tục có tên trong danh sách nợ thuế trên địa bàn Đồng Nai. LDG hiện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TPHCM. Việc liên tục nợ thuế và bị cơ quan thuế địa phương “bêu” tên thường xuyên cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang không tốt, thị giá cổ phiếu LDG trên thị trường chứng khoán vì thế cũng giảm mạnh, chỉ loanh quanh ở mức 5.000 - 7.000đ.
Đứng thứ hai là Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội có trụ sở tại Lô XI, đường 3, khu dân cư Long Tân, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch với số nợ 76,8 tỷ đồng. Hiện tại, công ty đã bị cơ quan thuế ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn. Tiếp theo là Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) nợ 60 tỷ đồng, bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ từ tài khoản; Công ty CP Tập đoàn Tân Mai (TP Biên Hòa) nợ 31,1 tỷ đồng, bị ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn; Công ty CP Du lịch Giang Điền (104/4 ấp Hòa Bình, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) nợ 30,3 tỷ đồng, cũng bị cơ quan thuế ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn.
Thống kê danh sách nợ thuế trên địa bàn Đồng Nai cho thấy, nợ dưới 1 tỷ đồng có 27 doanh nghiệp, từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng có 19 doanh nghiệp và từ 10 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng có 7 doanh nghiệp. Trong nhóm này, doanh nghiệp có mức nợ thuế cao nhất là Công ty TNHH MTV Thăng Long Hiệp Phước (Nhà điều hành dự án Khu dân cư Thăng Long – Hiệp Phước, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch), với số nợ 21,9 tỷ đồng, hiện đã bị Cục Thuế Đồng Nai áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là ngăn chặn sử dụng hóa đơn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết, nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế đối với LDG và để tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước đối với trường hợp nợ thuế này, hiện tại, cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế từ tài khoản, tức trích thẳng tiền từ tài khoản của LDG để thu hồi nợ thuế.
Theo Luật Quản lý thuế, biện pháp cưỡng chế nợ thuế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành nộp thuế theo quy định, không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, quyết định hành chính thuế khác hoặc không thanh toán chi phí cưỡng chế.
LDG đứng đầu trong 64 doanh nghiệp, với tổng số nợ 488,3 tỷ đồng. |
Bị “bêu” tên mới chịu nộp
Trước đó, vào tháng 3/2020, Cục Thuế TPHCM đã công bố danh sách 535 doanh nghiệp chây ì nợ thuế, với tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp kỳ khóa sổ tháng 1/2020 lên đến hơn 3.186 tỷ đồng. Trong số này cũng tập trung phần lớn ở các công ty kinh doanh bất động sản, xây dựng. Cụ thể, theo danh sách được công khai, có 8 doanh nghiệp nợ thuế trên 100 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH MTV Cây trồng TPHCM, nợ hơn 225 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Nhà Tân An Huy, nợ gần 174 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương tại TPHCM nợ 126 tỷ đồng; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Đông Mê Kông nợ gần 115 tỷ đồng…
Theo báo cáo từ Cục Thuế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã công khai lần đầu danh tính của 833 đơn vị với số nợ hơn 419,6 tỷ đồng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Đồng thời cũng công khai lại 1.963 đơn vị nợ hơn 6.876 tỷ đồng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Các đơn vị này đã bị công khai các năm trước 2015, 2016, 2017, 2018 hoặc 2019.
Cục Thuế Hà Nội cho biết, sau khi đăng công khai đã có 843 doanh nghiệp nộp 304 tỷ đồng tiền nợ vào ngân sách. Trong đó đã có 237 doanh nghiệp đến thời điểm 16 giờ ngày 14.9.2020 đã nộp hết số thuế nợ mà cơ quan thuế công khai vào ngân sách nhà nước.
Lý giải nguyên nhân nợ thuế của doanh nghiệp bất động sản tăng cao, một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. Nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất.
“Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 0,9%/tháng, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt này đã không đủ sức răn đe các DN chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước”, một chuyên gia kinh tế phân tích.
Lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội cũng cho hay, giữa tháng 9/2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ về giải pháp đảm bảo thu, chi NSNN năm 2020. Theo đó, song song với việc tổ chức đối thoại với các DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Cục Thuế TP Hà Nội cũng đẩy mạnh “chống xói mòn” cơ sở thuế, chống thất thu, chống chuyển giá; đẩy mạnh đôn đốc thu, giảm nợ đọng thuế, chống gian lận thuế.
Theo Cục Thuế TPHCM, để chống thất thu thuế, trong năm 2020, đơn vị sẽ tập trung các chuyên đề và phân tích các hồ sơ có rủi ro cao về thuế; có dư địa thu lớn như dầu khí, xăng, điện lực, bất động sản; ngành nghề kinh doanh mới như kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, games…
Các doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp xây dựng BOT, BT; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh… cũng sẽ là những đối tượng được Cục Thuế TPHCM tập trung tăng cường thanh kiểm tra trong năm nay.