Hàng không Việt lỗ lớn, nguy cơ phá sản

Vietnam Airlines đối mặt rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn cao, còn Vietjet Air đang thiếu hụt kinh phí để hỗ trợ kinh doanh.

Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2020 và trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, hàng không đang là nhóm điêu đứng nhất.

Trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch Đầu tư dẫn hàng không là nhóm có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến "các doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản".

Cụ thể,Covid-19 khiến nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh 34,5- 65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ ngày giãn cách xã hội. Ảnh:Quỳnh Trần.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch bùng phát lần thứ ba trong giai đoạn sát cao điểm Tết Nguyên đán 2021 đã khiến doanh thu của ngành hàng không Việt giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Khả năng thanh toán của các đơn vị suy giảm và tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Bộ dự báo, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Nếu Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024, ngành mới có thể phục hồi như trước khi có dịch.

Cơ quan này cũng dẫn báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy dự kiến số lỗ của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.Hiện, số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp, hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

"Vietnam Airlines đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn ở các ngân hàng", báo cáo viết.

Cùng với Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet Air, trong năm 2020 cũng đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay khoảng 4% trong năm 2021 - 2023 cho các hãng. Với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Song song đó, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không cho đến hết năm 2021.

Cơ quan này cũng đề xuất, Bộ Tài chính sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Hồi đầu tháng 6, Vietnam Airlines vừa phát thông tin đấu giá 11 máy bay Airbus A321 CEO sản xuất năm 2004, 2007 và 2008. Đây cũng là động thái có thể giúp Vietnam Airlines có thêm dòng tiền trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Trước đó vào đầu tháng 4, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4 khi lợi nhuận sau thuế năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, hàng không Việt có thể lỗ tới 15.000 tỷ trong năm 2021. Thời điểm đó, doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tín dụng. VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4%. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất hỗ trợ.

Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã lỗ trên 18.000 tỷ đồng, doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Theo vnexpress.net
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top