Di tích Thành cổ Biên Hòa. Ảnh: Báo Đồng Nai. |
Sau khi chiếm thành, thực dân Pháp đã bắt tay cải tạo, thu hẹp diện tích thành còn lại 1/8 so với trước kia, đồng thời cho xây dựng các cơ sở an ninh, quân sự bên trong và bên ngoài thành. Năm 1944, Thành Biên Hòa rơi vào sự kiểm soát của phát-xít Nhật. Sau khi quay lại Đông Dương lần 2, Pháp đã trưng dụng nơi đây làm trại gia binh. Đến giai đoạn 1954-1975, thành không có nhiều thay đổi về diện mạo, quân đội Mỹ sử dụng lại toàn bộ các công trình do thực dân Pháp để lại. Sau năm 1975, thành Biên Hòa do chính quyền mới tiếp quản.
Trên phương diện di sản kiến trúc, Thành cổ Biên Hòa là công trình thành cổ hiếm hoi còn tồn tại ở khu vực Nam Bộ. Tòa thành này vừa phản ánh kỹ thuật xây dựng khoa học, đường nét kiến trúc Pháp trong tổng thể các hạng mục hiện tồn, vừa thể hiện sự am hiểu về phong thủy theo cách nhìn địa chính trị của người xưa.
Vào năm 2013, Thành cổ Biên Hòa là đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Quảng trường Sông Phố: Nơi chứng kiến những cuộc đổi thay lịch sử
Theo Báo Đồng Nai, Sông Phố từng là tên gọi cho đoạn sông chảy qua đô thị Biên Hòa xưa được định giới từ cầu Mới đến cầu Ghềnh. Có lẽ, cách gọi Quảng trường Sông Phố gắn liền với Tòa bố Biên Hòa xưa, sau này là Tòa hành chính và nay là trụ sở của khối các cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai. Phần diện tích vừa giáp sông và nối vòng xoay giữa hai trục lộ tuy không rộng lớn nhưng có vị trí quan trọng trong sự phát triển mang tính chất quyền lực qua các thể chế quản lý của xứ Biên Hòa.
Khu vực Quảng trường Sông Phố của thành phố Biên Hòa. Ảnh: Báo Đồng Nai. |
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Thành cổ Biên Hòa sẽ được cải tạo, đảm bảo nguyên tắc không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích. Chỉ tập trung cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng, tham quan, triển lãm tranh ảnh, lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa. Phương án đề xuất của Sở Xây dựng là thiết lập quảng trường tại Thành cổ. Cụ thể là tạo một không gian độc lập, giống như một căn phòng ngoài trời. Quảng trường này được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà và được mở ra thông suốt tuyến đường Phan Chu Trinh. Khi đó, không gian quảng trường vừa tạo sức sống cho thành cổ, vừa có thể kết hợp tổ chức các hoạt động cộng đồng.
Đối với Quảng trường Sông Phố, phương án đề xuất của Sở Xây dựng là thiết lập quảng trường tuyến. Theo đó, không gian khu vực bùng binh Sông Phố, không gian của quảng trường được kéo dài, gần giống như một tuyến phố hay một hành lang để tạo cảm giác trục tuyến chính không ở vị trí xung khắc, hướng về sông Đồng Nai. Ở đầu và cuối quảng trường có một công trình điểm nhấn để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác, đây cũng là khu vực để người dân đi bộ hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Theo Sở Xây dựng, Thành cổ Biên Hòa và Quảng trường Sông Phố đều là những khu vực có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, do đó việc thiết lập, tổ chức hai quảng trường tại hai di tích này phải dựa trên các nguyên tắc: Không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích; cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng; không gian quảng trường nhỏ nhưng được kết nối với các công trình công cộng xung quanh để tạo các hoạt động phong phú cho quảng trường như đi bộ của người dân, mít tinh, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh, trưng bày giới thiệu đặc sản địa phương.
|