Sở Quy hoạch - Kiến trúc có báo cáo về việc cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D - Tập thể Bộ Tư pháp tại phường cống Vị, quận Ba Đình, tại văn bản số 6910/VP-ĐT ngày 18/8/2020.
UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét phương án quy hoạch kiến trúc tỷ lệ 1/500 cải tạo xây dựng lại Khu Tập thể Bộ Tư pháp, hướng dẫn việc hoàn chỉnh Tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình để khẩn trương triển khai thủ tục dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8/2020.
Hà Nội yêu cầu di dời người dân ra khỏi tập thể Bộ Tư pháp. |
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng UBND quận Ba Đình hướng dẫn chủ đầu tư thủ tục đầu tư xây dựng cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Bộ Tư pháp theo thẩm quyền, đúng quy định.
UBND quận Ba Đình có trách nhiệm thực hiện theo thẩm quyền, khẩn trương hoàn thành việc di dời các chủ sở hữu căn hộ ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D theo quy định.
Tập thể Bộ Tư pháp với 3 đơn nguyên được đánh số thứ tự 1-2-3, hiện nay cả khu tập thể chỉ còn đơn nguyên 2 nằm ở giữa là vẫn có thể tạm sử dụng. Còn đơn nguyên 1 và 3 đã lún, nứt và tự tách ra khỏi khối nhà với khoảng cách trung bình từ 1 - 1,2m, được đánh giá là chung cư xuống cấp hạng D. Tháng 4/2016, UBND TP Hà Nội có quyết định 2000/UBND-XDGT để tổ chức di dời khẩn cấp cho các cư dân đang cư trú tại nguyên đơn 1-3 thế nhưng việc di dời các hộ dân tại khu tập thể Bộ Tư Pháp vẫn chưa được thực hiện.
Mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ, không chỉ ở Hà Nội mà các nơi đều khó khăn. Bộ Xây dựng đã nhận được đề án của Hà Nội và cho rằng vướng là ở cơ chế, chính sách.
Đa số nhà chung cư cũ tập trung tại khu vực nội thành cũ, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao và đặc biệt là dân số; việc điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ...
Khó khăn vướng mắc là việc sử dụng nguồn vốn nhà nước là không phù hợp do việc triển khai thực hiện mất nhiều thời gian và ngân sách của Thành phố còn hạn hẹp (trong khoảng 5 - 10 năm tới không có khả năng hỗ trợ, thực hiện) trong khi số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố rất lớn với khoảng 1.579 nhà.
Tính đến thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng đã rà soát, thực hiện việc kiểm định được 600/2.500 nhà chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm cấp C, D - chiếm khoảng 25% tập trung chủ yếu tại 2 đô thị lớn là Hà Nội, TPHCM với con số lần lượt là 179 và 130 nhà chung cư.