Hà Nội: Tăng tốc phát triển kinh tế xã hội

Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác tháng 5-2022 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu địa phương.
chutich.jpg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Xuất khẩu tăng 18,8%

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, hội nghị tập trung vào 5 nội dung trọng tâm, gồm các báo cáo trình kỳ họp giữa năm 2022 của HĐND thành phố; giải pháp thúc đẩy tăng trưởng quý III-2022 của từng ngành, đơn vị; đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm thoát nước, chống úng ngập và phòng, chống thiên tai trong thời gian tới trên địa bàn Thủ đô.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong tháng 5-2022, thành phố bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 164.295 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán, bằng 127,3% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu phục hồi mạnh, kim ngạch tháng 5 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 31% (cùng kỳ tăng 2,5%); lũy kế 5 tháng đầu năm, đạt 6,91 tỷ USD, tăng 18,8% (cùng kỳ tăng 8,1%).

skh.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị.

Trong tháng 5, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội cũng phục hồi mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 7,3% so với tháng 5-2021 (cùng kỳ tăng 5,1%); lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 9,4%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 19,9% so với tháng 5-2021 (cùng kỳ giảm 5,7%); lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 10,9% (cùng kỳ tăng 11,2%).

Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 5 đạt 69 nghìn lượt, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 161 nghìn lượt khách, tăng 79,5% (cùng kỳ giảm 86,2%).

Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố đạt 312 triệu USD; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 2.117 tỷ đồng. Đã có 2.427 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 22.477 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 47% vốn đăng ký). Lũy kế 5 tháng đầu năm, có 11.517 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 144.571 tỷ đồng (tăng 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% vốn đăng ký).

Trong tháng 5, công tác tổ chức SEA Games 31 của thành phố Hà Nội đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Trung ương giao, bảo đảm các mốc tiến độ. Bên cạnh những kết quả đạt được, do tác động của việc tăng giá các nguyên, nhiên liệu, Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,3% so với tháng 4, tăng 2,43% so với tháng 12-2021 và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,04%, cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ (tăng 0,97%).

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ rõ, còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung có giải pháp tháo gỡ. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,4% kế hoạch nhưng vẫn là con số thấp hơn mức trung bình cả nước đạt 20,45%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá cao gây áp lực lớn lên mục tiêu năm 2022… Cùng với đó, các thách thức trong thời gian tới cũng chưa dự báo đầy đủ được như tình hình lạm phát, giá xăng dầu, giá đầu vào nguyên vật liệu, sự biến động của các thị trường bất động sản, chứng khoán...

Kiểm soát lạm phát

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng chỉ đạo, trong tháng 6 còn lại của năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng.

Trong đó, UBND thành phố chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các chương trình làm việc của Thành ủy và kỳ họp giữa năm của HĐND thành phố; phối hợp hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tập trung lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Tổng kết thực hiện Luật Thủ đô; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

UBND thành phố cũng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí; giảm tiền thuê đất, mặt nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội...

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành: Du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải, logistics..., phát triển kinh tế ban đêm, các tuyến phố đi bộ; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế và ở trong trước; chuyển đổi số trong ngành Du lịch; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng cụm công nghiệp....

kinh-te-dem-18-.jpg
Phát triển kinh tế đêm tại Hà Nội.

Với việc Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, thành phố đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát; bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng, nhất là cung ứng xăng, dầu, đáp ứng đầy đủ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm của 6 tổ công tác của thành phố về giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

6 tháng cuối năm, thành phố đẩy mạnh triển khai dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố giai đoạn 2021-2025; quản lý, vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh... và triển khai thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử, chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu, từ TP tới cơ sở tranh thủ tối đa tình hình dịch bệnh ổn định, tập trung đặt ra lộ trình tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 6, đảm bảo cho kịch bản điều hành cả năm 2022 của TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022; công tác tuyển sinh năm học 2022-2023 TP Hà Nội. Nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tại cơ sở; thực hiện nghiêm việc đối thoại với người dân. Có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật để người dân hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành. Các vụ việc khiếu kiện kéo dài phải được làm rõ cụ thể, xử lý đúng quy định...

Theo Đời sống
back to top