Phát biểu kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố chiều 3/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhắc lại tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội có số ca nhiễm tăng nhanh và phát hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Kiểm tra, xử phạt người ra đường không có lý do cần thiết
Nhắc lại các yêu cầu phòng dịch, người đứng đầu chính quyền Hà Nội đề nghị tất cả các quận, huyện, phường, xã cập nhật thông tin chỉ đạo từ Trung ương, từ Ban chỉ đạo quốc gia. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về ý thức phòng dịch cho người dân, yêu cầu mọi người thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước khử khuẩn.
Khi người dân bắt buộc đi ra ngoài, phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1,5-2m. Các cửa hàng cũng phải đảm bảo giữ khoảng cách này.
Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt người ra ngoài đường mà không có lý do thật sự cần thiết. Ảnh: Phương Lâm |
Với các trường hợp có quyết định cách ly tại nhà, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu chấp hành nghiêm túc. Nếu qua hệ thống giám sát GPS phát hiện những người này đi ra ngoài phải xử phạt mức nặng nhất.
Ai bị cách ly phải có ý thức giữ khoảng cách với người thân, luôn mở cửa thoáng thay vì bật điều hòa. Đặc biệt, ông Chung yêu cầu người già và những người không có việc gì cần thiết thì không ra đường trong 2 tuần tới.
"Từ ngày mai, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra với ai ra đường. Trường hợp nào không cần thiết mà đi ra ngoài thì phải phạt”, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo.
Ông cũng yêu cầu tất cả công viên, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa.
"Nếu ta qua được 15 ngày này thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều. Chỉ cần 10% dân số không thực hiện thì sẽ đổ bể kế hoạch chống dịch và đổ bể Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội”, ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Nội kêu gọi mọi người, đặc biệt người có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, người nước ngoài, người đi từ vùng dịch về chưa khai báo phải tự giác khai báo để được lấy mẫu xét nghiệm.
Ở các công sở, hạn chế thực hiện các dịch vụ công mà tăng cường thực hiện trên môi trường mạng.
Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến chính sách an sinh xã hội cho người có công, người nghèo, người lao động mất việc do dịch Covid-19. Cùng với đó, phải khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt trong thực hiện phòng, chống dịch.
Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền thành phố chỉ đạo các đơn vị trong giai đoạn này không được cắt điện, nước, điện thoại, viễn thông mà phải tăng cường để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Chưa xác định được đỉnh dịch và thời gian kết thúc
Khái quát tình hình thế giới, Chủ tịch Hà Nội cho biết dịch đang gây ra hậu quả nghiêm trọng với các nước khi số người chết tăng và hiện là hơn 50.000 người.
Ông Chung cũng dẫn cảnh báo mới nhất của WHO là trên thế giới đã có vài triệu người nhiễm nhưng chưa có test để xác định, con số này có thể trở thành sự thật trong một thời gian ngắn.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á đang hình thành các ổ dịch mới như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Campuchia và Lào… Tỷ lệ người nhiễm ở Nhật Bản cũng tăng lên, Trung Quốc thì có những vùng lại xuất hiện trường hợp nhân viên y tế dương tính nên đã ngay lập tức phong toả 600.000 dân.
Qua đó, ông Chung cho biết các nước cũng đang thực hiện các biện pháp rất mạnh mẽ để phong toả, ngăn không cho dịch lây lan.
|
Dẫn lời các chuyên gia trên thế giới, Chủ tịch Hà Nội cho biết đến nay chưa xác định được đỉnh dịch và thời gian dịch kết thúc trên thế giới. Theo dự báo, dịch có thể kéo dài rất lâu.
"Tại Việt Nam, đã có 233 trường hợp nhiễm và Hà Nội là địa phương đứng đầu về số ca nhiễm của cả nước”, ông Chung thông tin.
Nhưng điều đáng lưu ý được người đứng đầu chính quyền thành phố đưa ra là chỉ trong một tuần nay, số ca nhiễm ở Hà Nội đã tăng gần gấp đôi so với 3 tuần trước.
Địa phương này cũng liên tục phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Điển hình có trường hợp người nước ngoài bị tai nạn đưa vào viện cũng phát hiện dương tính với Covid-19. Trước đó, người này đã đi lại rất nhiều nơi tại Hà Nội và Việt Nam.
"Những trường hợp này là vô cùng phức tạp vì nó chứng tỏ có lây nhiễm trên địa bàn", Chủ tịch Hà Nội nói.
Ông đề nghị các cơ quan nhận thức được nguy cơ từ việc này và xác định tuần tới, các ca nhiễm mới được phát hiện có thể sẽ tăng lên.
Với những ca có liên quan đến yếu tố Bệnh viện Bạch Mai, người nước ngoài hay người về từ vùng dịch cũng cần chú ý bởi theo tổng kết, có 65-70% những trường hợp nhiễm nhưng biểu hiện bên ngoài bình thường, nếu đi lại vẫn gây lây nhiễm cho người khác.
Tìm hiểu thông tin về ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hà Nội cho biết đã đích thân gọi điện cho hàng chục người điều trị nội trú tại đây để tìm hiểu quy luật ăn uống, sinh hoạt. Theo đó, những người ở các quận nội thành khi vào điều trị nội trú thường mang theo đồ ăn, nước uống. Còn ở các huyện và các địa phương khác thường ăn uống tại căng tin. Vì vậy phải lưu ý các huyện, xã ở xa trung tâm, không được chủ quan.