Hà Nội rà soát các công trình, nhà ở không đảm bảo trong mùa mưa bão

(khoahocdoisong.vn) - Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở có dấu hiệu không bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong mùa mưa bão.

Thực hiện chỉ thị của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản 4279/SXD-QLN (ngày 29/5/2020) đề nghị kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở, đặc biệt là các khu tập thể chung cư cũ xuống cấp, nhà ở phố cổ, ngoài đê, vùng bị ngập lụt có dấu hiệu không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở có dấu hiệu không bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong mùa mưa bão.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở có dấu hiệu không bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong mùa mưa bão.

Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (thuộc Sở Xây dựng) chuẩn bị phương án cụ thể, vị trí các địa điểm theo địa bàn (quỹ nhà trống, các cơ quan, công sở trụ sở, trường học...) để chủ động di chuyển, tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi các khu vực trọng yếu, không bảo đảm an toàn khi bão, lũ lụt xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Các đơn vị rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án phòng, chống đổ, sập nhà, công trình; hỗ trợ người dân khi bão, lụt xảy ra để phòng, chống, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong mùa mưa bão với gần 2.000 trường học, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường;

Xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt, với những cây lâu năm cần lưu ý việc cắt tỉa cành, nhánh cây, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.

Trường hợp nếu phát hiện cây có nguy cơ gãy, đổ nhưng chưa kịp xử lý, nhà trường phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất.

Theo Đời sống
back to top