Hà Nội ngập rác những ngày bị người dân chặn xe rác vào khu xử lý chất thải Sóc Sơn. (Ảnh internet) |
Chôn lấp “ngốn đất”, mất vệ sinh
TP Hà Nội hiện có 2 khu xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn là: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn thuộc huyện Sơn Tây.
Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn giai đoạn 1 hiện nay đang vận hành “ngốn” tới 83,5ha đất. Theo quy hoạch Khu xử lý này mở rộng đến năm 2020 là 157ha, năm 2030 là 257ha, năm 2050 là 280ha. Công suất đến năm 2020 khoảng 4.500 tấn/ngày; năm 2030 khoảng 6.000 tấn/ngày; năm 2050 khoảng 7.000 tấn/ngày.
Thực tế hiện nay quy mô Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn rất lớn nhưng công nghệ xử lý chỉ là chôn lấp, và việc chôn lấp đến nay đã sắp quá tải bởi mỗi ngày lượng rác tiếp nhận lên đến hơn 5.000 tấn.
Nghịch lý ở chỗ, ngay tại khu xử lý chất thải sắp vượt ngưỡng này, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án điện rác Sóc Sơn công nghệ hiện đại với công suất lên đến 4.000 tấn/ngày- đêm. Tức là nếu nhà máy này đi vào hoạt động thì sẽ xử lý được khoảng 80 - 90% lượng rác vào Khu xử lý chất thải Sóc Sơn. Trong khi đó, sử dụng công nghệ phát sinh khoảng 75MW/giờ điện năng nhưng chỉ “ngốn” khoảng hơn 17ha đất tại Khu xử lý. Rất tiếc dự án này bị xếp vào trường hợp chậm triển khai, nhà đầu tư hứa đến cuối năm nay (2020) mới có thể đi vào hoạt động.
Còn Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn diện tích hiện có 13ha và sử dụng công nghệ đốt (không phát sinh điện năng) để xử lý chất thải. Quy hoạch mở rộng 2020 khu xử lý này sẽ có diện tích khoảng 26ha, năm 2030 là 57ha, năm 2050.
Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét, bổ sung dự án Nhà máy điện rác Seraphin công suất 37MW tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Dự án này có công suất xử lý rác thải sinh hoạt cũng lên đến 1.500 tấn/ngày-đêm. Dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2022.
Thực tế, hiện nay tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn có Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây do Công ty CP DVMT Thăng Long quản lý vận hành với công suất 700 tấn/ngày, gồm 2 dây chuyền xử lý và Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn do Hợp tác xã Thành Công quản lý, vận hành gồm 3 lò đốt với công suất cũng chỉ 250 tấn/ngày đều sử dụng công nghệ đốt. Với công suất xử lý chất thải như vậy là quá nhỏ so với lượng chất thải hàng ngày phải xử lý của thành phố.
Không chỉ vậy, vào năm 2019 Tổng cục Môi trường đã phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt (nhiên liệu là dầu diezel) tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây của Công ty CP DVMT Thăng Long và bị xử phạt đến 720 triệu đồng.
Cụ thể, nhà máy này đã xả nước thải có chứa hàng loạt thông số môi trường thông thường (BOD) vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Như thông số màu vượt 11,6 lần; BOD5 vượt 77,1 lần; COD vượt 21,3 lần; chất rắn lơ lửng vượt 40,8 lần; Amoni vượt 40,6 lần; Nito vượt 22,8 lần; Coliform vượt 22 lần quy chuẩn cho phép.
Chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Thực tế, hệ quả là những năm gần đây tại 2 khu xử lý chất thải lớn này người dân thường xuyên chặn đường, phản đối không cho xe chở rác vào khu xử lý bởi gây mất vệ sinh môi trường và cơ chế, chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng.
Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh đến năm 2020 của Hà Nội là 14.150 tấn/ngày-đêm, đến năm 2030 là 18.900 tấn/ngày-đêm, đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày-đêm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất khu xử lý đến năm 2020 là 253,65ha, đến năm 2030 là 422,65ha, đến năm 2050 lên đến 515,95ha. Có thể thấy chọn giải pháp công nghệ cao xử lý rác đang là vấn đề cấp bách Hà Nội cần đặt ra.
Các dự án điện rác tại Hà Nội đến nay đều chậm triển khai. (Ảnh internet) |
Bao giờ điện rác vận hành?
Trước tình trạng quá tải về chất thải tại các khu xử lý tập trung và nhằm giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, TP Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại.
Trong đó, dự án điện rác Sóc Sơn được khởi công tháng 8/2019, với công suất 4.000 tấn/ngày-đêm. Đây là dự án lớn nhất đang được triển khai cũng là dự án duy nhất hy vọng về đích trong năm nay có thể vận hành, theo cam kết của nhà đầu tư.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn có tổng mức đầu tư khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, do Công ty CP năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75MW điện/giờ.
Các hạng mục chính của dự án điện rác Sóc Sơn gồm: 5 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất mỗi lò 800 tấn/ngày-đêm; 3 tua bin phát điện với công suất 75MW/giờ; tuyến đường dây truyền tải điện 110KV từ nhà máy đến mạng lưới điện quốc gia; xưởng sản xuất gạch không nung với công suất 266.667 tấn/năm;...
Dự án được đầu tư bởi 3 nhà đầu tư là Công ty CP năng lượng tái tạo Sóc Sơn, Công ty Europe Tianying BVBA (Bỉ) và nhà đầu tư Perfect Wave Holdings Limited (British Virgin Islands).
Trong đó, Công ty Năng lượng tái tạo đăng ký góp 86,173 tỷ đồng tương đương 6% cổ phần; Công ty Europe Tianying BVBA đăng ký góp 947,907 tỷ đồng nắm giữ 66% cổ phần và Công ty Perfect Wave Holdings Limited đăng ký góp 402,142 tỷ đồng qua đó nắm giữ 28% cổ phần.
Đây cũng là nhà đầu tư cho dự án nhà máy điện rác ở Trạm Thản, Phù Ninh, Phú Thọ với công suất 1.000 tấn/ngày, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày làm lễ động thổ (12/10/2017) đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành.