Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, Báo Tri thức và Cuộc sống về thực trạng ngập úng của Hà Nội mỗi khi vào mùa mưa, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, không thể áp dụng nguyên giải pháp chống ngập úng của nước ngoài vào Việt Nam.
Phải điều chỉnh quy hoạch
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân ngập úng triền miên tại Hà Nội là ở công tác quy hoạch. Vậy xin ông cho biết, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch thoát nước ở Hà Nội hiện nay ra sao?
Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước với 2 giai đoạn thực hiện, trong đó đặt ra vấn đề lượng mưa với lưu lượng khoảng 150mm/ngày, sau đó điều chỉnh lên tới 300mm/ngày. Theo tôi, Hà Nội đã triển khai cơ bản quy hoạch.
Tuy nhiên, trận mưa vừa qua chỉ trong 2 giờ đồng hồ mà lưu lượng đã tới 138mm, như vậy rất bất thường. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ngập úng cục bộ trong những ngày qua.
Đây là hiện tượng khách quan của thiên nhiên, nhưng không phải là lần duy nhất, bởi vì trước đây Hà Nội cũng đã có nhiều lần bị úng, ngập rồi và đã vượt quá mức giới hạn của quy hoạch thoát nước.
Theo ông, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội cao có phải là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc úng ngập không?
Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là thách thức của biến đổi khí hậu. Thêm nữa là xây dựng nhiều khu đô thị, dân số tăng quá mức dự kiến của quy hoạch, mật độ xây dựng không được quản lý chặt chẽ. Trong quy chuẩn nêu rất rõ những công trình cao từ 9 tầng trở lên thì mật độ xây dựng không quá 40%, quy chuẩn chúng ta đúng nhưng việc giám sát thực hiện có được hay không thì lại là vấn đề khác.
Ngoài ra, tại Hà Nội còn có hiện tượng lấp bớt một số hồ, kênh, mương cũng ảnh hưởng đến việc thoát nước.
Không thể “bê” nguyên giải pháp nước ngoài vào Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Hà Nội có thể áp dụng giải pháp chống ngập úng của Mỹ là dùng cánh đồng, sân vận động, trường học làm nơi chứa nước mỗi khi ngập úng, hoặc xây dựng hệ thống chứa nước ngầm lớn. Theo ông, giải pháp này có khả thi hay không?
Không thể bê nguyên xi của nước ngoài vào áp dụng ở Việt Nam được. Đã đưa ra giải pháp là phải lấy dân làm gốc. Trước đây, Hà Nội đã từng đề xuất làm thêm hầm ngầm để chứa nước và bị phản đối. Giải pháp chống ngập úng như thế không ổn, khó chấp nhận được.
Điều kiện địa chất mỗi nước một khác, mỗi nơi một khác, thêm nữa nếu trữ nước ở đó thì sẽ thoát đi đâu? Nước sẽ ngấm vào đất và ảnh hưởng đến điều kiện địa chất.
Địa chất khác nhau phải làm khác nhau, ở TPHCM có hầm ngầm Thủ Thiêm, trước đây Hà Nội cũng đã đề xuất làm hầm ngầm qua phố Trần Hưng Đạo chứ không phải làm cầu như hiện nay. Ngoài ra, việc làm ngầm sẽ tốn kém và tác động đến địa chất xung quanh gây sụt lún.
Vậy giải pháp đưa ra là gì, thưa ông?
Đầu tiên phải điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước cho phù hợp thực tiễn.
Tiếp theo, phải xác định tất cả các điểm úng ngập để xử lý kịp thời; phải tăng công suất của các trạm tiêu nước đầu mối; phải khơi thông, quản lý chặt hệ thống kênh, mương, đặc biệt là dòng chảy của những dòng sông chính (sông Nhuệ, sông Đuống, sông Hồng…). Tôi được biết ở nước ngoài họ cũng khơi thông và áp dụng các công nghệ mới.
Bên cạnh đó, khi ngập úng xảy ra để giải quyết vấn đề đời sống ngay lập tức thì nên có giải pháp cục bộ, như hệ thống bơm nước cục bộ tại các điểm úng ngập cục bộ.
Ở nước ngoài cũng thường làm các giải pháp cục bộ, như ở Ý khi nước biển dâng lên họ còn dùng cả hệ thống che chắn hiện đại để không ảnh hưởng đến dân cư.
Phải tăng thêm diện tích nước mặt. Bình thường để thoát được nước mặt, theo quy chuẩn của Việt Nam cũng như bài học của các nước trên thế giới phải có 3% diện tích là hồ nước, hiện nay mình chỉ có hơn 1%. Cho nên phải gia tăng diện tích hồ nước, ví dụ như làm công viên phải gia tăng diện tích hồ nước, chú trọng công tác quản lý thực hiện được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
“Không thể bê nguyên xi của nước ngoài áp dụng vào Việt Nam được. Đã đưa ra giải pháp là phải lấy dân làm gốc. Trước đây, Hà Nội đã từng đề xuất làm thêm hầm ngầm để chứa nước và bị phản đối. Giải pháp chống ngập úng như thế không ổn, khó chấp nhận được”.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
“Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị. Trong trường hợp thời tiết cực đoan thì phải tính toán hệ thống để trữ nước. Như Nhật Bản có khu vực người ta bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn ở dưới vừa giữ lượng nước để khi hạn hán thì tưới cây, nhưng cũng là nơi chứa nước. Hoặc bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lúa trong trường hợp thấy rằng có thể ngập vào những nơi xung yếu thì điều chỉnh cái van trong hệ thống đó để người ta đưa những nơi đó thành nơi chứa nước. Thậm chí là cả một hệ thống dưới đường giao thông là các tank, thùng rất lớn để chứa nước”.
Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà