Hà Nội lập trạm thu phí xe vào nội đô có khả thi?

Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội tiếp tục thu hút sự quan tâm từ dư luận. Một số chuyên gia pháp lý, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về đề án này.
Thu phí ô tô vào nội đô là chưa khả thi
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về đề án thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu thực hiện việc thu phí vào nội đô tại thời điểm hiện nay là chưa khả thi.
Theo luật sư Cường, việc thu phí phương tiện vào nội đô được cho là một trong nhiều giải pháp trong đề án giảm ùn tắc giao thông và giảm phương tiện cá nhân. Thực tế, để thực hiện giảm phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông phải thực hiện nhiều giải pháp chứ không riêng việc lập trạm thu phí vào nội đô. Quan trọng là điều kiện để áp dụng các giải pháp như thế nào.
Ha Noi lap 100 tram thu phi xe vao noi do: Chua kha thi?
Hiện phương tiện cá nhân vẫn là chủ yếu, thậm chí có thể chiếm tỷ lệ rất lớn đến 80%. Bởi vậy, khi áp dụng các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân sẽ tác động trực tiếp đến đời sống xã hội.
Ông Cường cho rằng, nếu lắp đặt 100 trạm thu phí xung quanh Thủ đô Hà Nội chắc chắn sẽ gây ùn tắc giao thông. Nhìn từ thực tế, mặc dù thu phí không dừng nhưng các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô tại giờ cao điểm, thậm chí vào buổi trưa cũng ùn dài và tắc. Nếu lắp đặt thêm các trạm thu phí chắc chắn hiện tượng ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, việc lắp đặt trạm thu phí sẽ hạn chế phương tiện cá nhân. Trong khi người dân đi làm chủ yếu bằng phương tiện cá nhân. Do đó, trong trường hợp không bỏ được việc làm, người dân sẽ có thể chuyển nhà vào trong nội đô để tránh ùn tắc và không bị mất chi phí. Điều đó khiến dân cư trong nội đô tăng lên dẫn tới mật độ giao thông đông đúc hơn.
Với 100 điểm thu phí, dự toán khoảng 2.600 tỷ đồng để xây dựng. Trong khi đó, ngân sách hiện nay đang còn nhiều khó khăn, số kinh phí bỏ ra để xây dựng các điểm thu phí có thể dùng vào việc xây trường học, giải quyết vấn đề giao thông công cộng… sẽ có ý nghĩa hơn. Cùng với việc xây dựng trạm thu phí còn phải lắp đặt thiết bị, máy móc, chi phí vận hành thêm một bộ máy trong khoảng thời gian dài và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị của Thủ đô.
Luật sư Cường cũng cho rằng, giải pháp tích cực nhất để giảm phương tiện cá nhân là phát triển giao thông công cộng. Khi phương tiện công cộng đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân, việc sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tự giảm đi. Không mệnh lệnh hành chính nào bằng biện pháp đầu tư phát triển giao thông công cộng, trong đó có hạ tầng giao thông và các hình thức giao thông.
100 trạm kiểm soát như “lưới bủa vây” nội đô, cần thận trọng
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/10, Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, việc thu phí vào nội đô không mới, nhưng phải xem xét điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của Hà Nội và có giải pháp thích hợp.
Ở các nước trên thế giới, thu phí nội đô chỉ thu một lần. Ngoài ra, văn minh giao thông, hạ tầng giao thông và cả ý thức tự giác của người dân tại các nước này khác so với ở Việt Nam. Do đó, dù chỉ thu một lần nhưng trật tự giao thông được thể hiện rõ qua hiệu quả quản lý.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, với dự kiến thu phí nội đô của Hà Nội qua 100 trạm kiểm soát như một “lưới bủa vây” nội đô, do đó cần hết sức thận trọng bởi chưa biết sẽ thu được bao nhiêu nhưng kinh phí chi trả cho đội ngũ quản lý đội sẽ lên nhiều lần.
Dẫn ví dụ trước đây TPHCM thành lập đội quản lý thu phí dừng đỗ xe, đến nay phải bù lỗ, đại biểu cho rằng cần đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân. Đồng thời cần lấy ý kiến nhân dân rộng rãi thông qua tổ chức độc lập, theo Luật Trưng cầu dân ý để nắm được ý chí của nhân dân.
“Thay bằng thu phí nội đô như đề xuất của Hà Nội, có thể áp dụng hình thức bán vé dán vào biển số xe để dễ kiểm soát. Còn việc xây dựng các trạm thu phí vào nội đô cần hết sức cân nhắc”, ông Vân nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, nếu Hà Nội có được nhiều tuyến đường như Cát Linh-Hà Đông sẽ là điều kiện rất tốt để người dân lựa chọn phương tiện công cộng. Về lâu dài, để áp dụng việc thu phí trên diện rộng, Hà Nội chắc chắn cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng nhiều hơn nữa.
“Đề xuất thu phí để giảm ùn tắc giao thông là một cách để người dân lựa chọn phương tiện tham gia giao thông chứ không phải cấm người dân vào nội đô bằng phương tiện cá nhân. Như vậy theo tôi, việc thu phí không hề vi phạm hiến pháp hay pháp luật. Chỉ là khi tăng phí cá nhân để hạn chế và thay đổi hành vi của người dân thì phải tăng các phương tiện công cộng, có sẵn điều kiện cho người dân lựa chọn”, ông Cường nêu ý kiến.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, về mức giá cho mỗi lượt, cần có đánh giá, xem xét thật kỹ lưỡng bởi đó là cơ sở để người dân so sánh, từ đó lựa chọn giữa việc đi bằng phương tiện cá nhân hay sử dụng phương tiện công cộng.
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông Vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.
Theo dự kiến, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện trong năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe. Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn. Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Trong khi phương án trước đây, con số trạm thu phí được đơn vị tư vấn đề xuất chỉ là 87 trạm.

>>> Mời độc giả xem thêm video Khắc phục ngay tình trạng ô tô thu phí tự động không qua được trạm BOT

Nguồn: Vietnamnet

Theo Đời sống
back to top