Khổ vì dự án “rùa bò”
Trong suốt thời gian dài, người dân ở ven con mương Kẻ Khế thuộc quận Ba Đình phải sống trong tình cảnh dở khóc dở cười bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường từ con mương này. Từ khi có dự án cống hóa hứa hẹn môi trường sẽ được cải thiện, nhưng suốt hơn 10 năm triển khai, con mương càng thêm ô nhiễm.
Từ giữa tháng 5, khi nắng nóng lên tới đỉnh điểm thì mương Kẻ Khế cũng đạt tới mức “không còn gì ô nhiễm hơn”. Vì thế, nhiều người dân nơi đây đã phản ánh tới báo KH&ĐS cũng như mong muốn kiếm tìm một giải pháp ngăn chặn nạn ô nhiễm tại địa phương.
Theo tìm hiểu, mương Kẻ Khế có chiều dài khoảng 1,7km chạy qua địa bàn 2 phường là Đội Cấn và Kim Mã (Ba Đình). Mương Kẻ Khế cũng là một phần trong dự án cống hóa kết hợp làm đường Núi Trúc - Sơn Tây được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 2008. Dự án đoạn mương Kẻ Khế được giao cho Ban QLDA Giao thông đô thị TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.
Có mặt tại con mương này, PV báo KH&ĐS đã tận mắt chứng kiến cảnh ô nhiễm chưa từng có ở Hà Nội. Nước trong mương đen đặc chảy lờ đờ và bốc mùi hôi thối. Hai bên mương là những “núi rác” đủ mọi thể loại được chất chồng, và chỉ cần một trận gió to là đổ ập xuống mương.
Con mương Kẻ Khế đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Con ngõ nhỏ ven Trường tiểu học Vạn Phúc được người địa phương quen gọi là “ngõ rác”. Những bao tải chứa phế thải xây dựng xếp dài hơn hai chục mét cùng với rác sinh hoạt dọc dài con ngõ làm cho môi trường chẳng khác nào bãi rác. Phía sau hàng rào tôn cạnh con ngõ này lại cũng là rác nhưng đã bị ai đó đốt cháy thành một bãi than.
Năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã bố trí 180 tỉ đồng để thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng và thi công tuyến mương Kẻ Khế. Theo đó, ngân sách hoàn toàn đáp ứng được việc cải tạo tuyến mương, nhưng với tình trạng thi công kiểu “rùa bò” thì khả năng hoàn thành dự án còn kéo dài.
Rác, than bụi theo đó bay cả vào trường học, cộng với mùi hôi thối từ con mương bốc lên khiến cho trường tiểu học này phải gánh chịu cảnh khói bụi. Nhiều phụ huynh đưa con đi học qua con ngõ này đều phải lấy tay bịt mũi. Tình trạng ấy đã kéo dài hàng chục năm ròng tại địa phương.
Người dân vứt rác ra ven mương, sau đó đốt cháy khiến than bụi bay cả vào trường học. |
Càng kiến nghị, càng ô nhiễm
Một người dân trong ngõ cho biết: Tình trạng kéo dài đã quá lâu khiến người dân phải liên tục kiến nghị chính quyền giải quyết vấn đề môi trường, ít ra là để các cháu học sinh được thở trong môi trường không mùi. Thế nhưng, càng kiến nghị càng ô nhiễm, và hiện nay học sinh phải thở trong không khí của bãi rác.
Nhiều người dân còn phản ánh, không chỉ trường tiểu học bị ảnh hưởng mà hàng nghìn gia đình sống cạnh con mương phải khốn khổ cả đêm lẫn ngày vì rác thải và mùi thối. Nhiều gia đình không dám mở cửa, không dám đưa khách về nhà và thậm chí, thanh niên đến tuổi lập gia đình không dám đưa người yêu về ra mắt chỉ vì… mùi thối.
“Có thời gian rác ngập mương khiến cho nước không thể chảy được. Khi trời mưa, nước ngập đường, nhiều người không dám ra ngoài. Chúng tôi không thể tưởng tượng sống giữa Thủ đô mà phải khổ sở như vậy”, một người dân cho biết.
Được biết, hệ thống rãnh phục vụ thu gom nước thải cho các hộ dân trong phạm vi thi công của dự án chưa được triển khai, một số vị trí cống chưa lắp đặt tấm đan dẫn đến tình trạng thường xuyên xảy ra úng ngập khi trời mưa, không những thế mà hệ thống mương cũng gây sụt lún.
Cũng do dự án chậm tiến độ, công tác quản lý mặt bằng thi công chưa được chủ đầu tư quan tâm thực hiện, nên diện tích mặt bằng hiện nay đang bị lấn chiếm để vật liệu xây dựng, phế thải, rác thải... gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại khu vực.
Người dân cho rằng, vì dự án kéo dài nên những khoảng đất trống chờ giải phóng thành bãi tập kết rác. |
Phường đã dọn hàng nghìn m3 rác
Trao đổi với PV báo KH&ĐS, một cán bộ trật tự đô thị phường Kim Mã, cho rằng địa bàn phường Kim Mã được quản lý nghiêm nên không có tình trạng rác thải sinh hoạt cũng như phế thải xây dựng tại con mương Kẻ Khế.
Đến khi PV đưa ra những hình ảnh vừa chụp chứng minh tình trạng rác thải xếp thành núi thuộc địa bàn phường Kim Mã, thì vị cán bộ nói “chỉ có một chút”. Vị cán bộ này cũng thừa nhận rác thải cạnh trường Tiểu học Vạn Phúc, nhưng vị này nói thêm: “Trường Tiểu học thì UBND phường Kim Mã quản lý con người, còn đất của trường do phường Đội Cấn quản lý”.
Trao đổi với ông Vũ Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND phường Đội Cấn, ông Thắng cho biết: “Khu vực Trường tiểu học Vạn Phúc rất phức tạp về môi trường. Do là địa bàn giáp ranh, ven mương lại do 2 phường cùng quản lý (Phường Kim Mã quản lý con người, phường Đội Cấn quản lý địa chính) nên rác thải xếp thành núi. Chúng tôi đã quây tôn nhưng dân đốt rác cháy cả tôn, rồi vứt rác bừa bãi ra con ngõ”.
Theo ông Thắng, năm 2018 UBND phường Đội Cấn đã phải bỏ tiền thu dọn đến 200m3 rác tại đây. Nhưng rồi sau đó, người dân tiếp tục vứt rác ra ven mương và đốt như ở bãi rác. “Nhiều người vứt rác bừa bãi, khi chúng tôi bắt được thì truy ra mới biết là do công dân phường Kim Mã thuê đổ trộm. Chúng tôi cũng thông báo với bên phường Kim Mã để cùng phối hợp xử lý”, ông Thắng nói.
Chính quyền phường Đội Cấn khẳng định: Càng tuyên truyền, dân vứt rác càng khỏe. Và phường đã phải dọn đi hàng nghìn m3 rác thải. |
Giải thích về những “núi rác” đủ loại trên địa bàn phường Đội Cấn, ông Thắng thừa nhận là “rất khó để người ta không vứt rác bừa bãi”. Sau mỗi đợt chính quyền ra quân, rác lại từ đâu đó tập kết ven con mương Kẻ Khế đến nỗi đơn vị thu gom rác là Công ty môi trường đô thị Ba Đình không dọn kịp.
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhưng, thực tế cho thấy càng tuyên truyền thì sau đó tình trạng vứt rác càng khỏe cứ như là thách thức. Trong thời gian qua, UBND phường Đội Cấn đề xuất với UBND quận Ba Đình xin kinh phí dọn rác. Tính ra, chúng tôi đã phải dọn hàng nghìn m3 rác thải ven con mương Kẻ Khế”, ông Vũ Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND phường Đội Cấn.