Sẵn sàng tiếp nhận vận hành
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ còn ít ngày nữa là đến hạn chót 31/3/2021 dự án đường sắt đô thị số 2A: Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành đi vào khai thác. Hiện dự án đã được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống theo 166 quy trình, từ ngày 12/12 – 31/12/2020. Kết thúc thời gian vận hành thử nghiệm, đã có 5.700 lượt tàu chạy hơn 70.000km đường sắt trên cao. Hiện Tổng thầu và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đang tiếp tục duy trì mỗi ngày vận hành 2 đoàn tàu trên tuyến.
Báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến nay đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị; còn lại chuyên ngành thiết bị Depot đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh thông số ngày 2/3/2021, hiện nay đang tiến hành công tác nghiệm thu công trình thành phần.
Biên bản nghiệm thu tổng thể đã được các bên thống nhất nội dung, sẽ sớm hoàn thành ký kết. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã sẵn sàng bố trí chuyên gia để kiểm tra kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư. Bộ Giao thông vận tải đã họp trực tuyến với Tư vấn ACT và yêu cầu Tổng thầu khẩn trương hoàn thiện để cung cấp hồ sơ cho Tư vấn ACT đánh giá an toàn hệ thống.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đến nay đã hoàn thành 12/15 nội dung thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội trong công tác tiếp nhận. Các nội dung còn lại hiện Công ty vẫn đang phối hợp chặt chẽ để thực hiện phương án bàn giao quyền từng phần của dự án, công tác kiểm đếm cơ sở vật chất, hồ sơ tài liệu và duy trì chạy tàu theo kế hoạch của Chủ đầu tư và Tổng thầu.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm hoàn thành, bàn giao đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành khai thác, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội đã thống nhất phương án chuyển giao toàn bộ dự án.
Ông Dương Đức Tuấn cũng đã yêu cầu các sở, ngành, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để TP sẵn sàng tiếp nhận Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông từ Bộ Giao thông vận tải, tuy nhiên phải đảm bảo đúng quy trình thủ tục về pháp luật, kỹ thuật và khi đã đủ điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối theo quy định.
Hà Nội tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi đảm bảo điều kiện an toàn tuyệt đối và đúng thủ tục pháp lý. |
Lên kịch bản kết nối
Để hỗ trợ tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội đã lên phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo đó lên phương án điều chỉnh mạng lưới xe buýt theo 03 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, 15 ngày đầu chạy miễn phí vẫn tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn.
Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy miễn phí, tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông).
Cụ thể, trong 3 tháng đầu khi tàu đi vào khai thác thương mại, điều chỉnh lộ trình 03 tuyến buýt (tuyến số 22A, 38, 49) hiện đang hoạt động có lộ trình lân cận kết nối với ga Cát Linh và tăng tần suất tuyến buýt số 49. Giai đoạn sau 03 tháng tàu đi vào khai thác, điều chỉnh hợp nhất 02 nhánh tuyến 21A (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Yên Nghĩa) và nhánh tuyến 21B (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Bến xe Mỹ Đình) thành một tuyến buýt ngang số 21 (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 02 ga (Thượng Đình, Vành đai 3). Điều chỉnh tăng tần suất đối với các tuyến buýt hiện đang kết nối với ga Cát Linh.
Giai đoạn sau 06 tháng tàu đi vào khai thác, điều chỉnh tuyến buýt 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (KĐT Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng. Mở mới 5 tuyến buýt kết nối với ga Cát Linh của đường sắt đô thị theo các hướng khác nhau. Giai đoạn sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại, điều chỉnh tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng.
Kịch bản thứ ba, khi gặp sự cố. Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành thì sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 03 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác tại kịch bản 2. Tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga (nếu cần).
Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong thời gian sau 03 tháng trở đi khi đưa vào vận hành thì sẽ điều chỉnh một phần tuyến buýt số 02, 21, 27 đang chạy theo tuyến ngang trở lại lộ trình ban đầu để tăng cường giải tỏa hành khách cho đến khi đoàn tàu hoạt động trở lại bình thường. Tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga (nếu cần).
Ngoài ra, về hạ tầng thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 09 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Đề xuất bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt, bố trí khu vực tổ chức dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị 2A.