Theo đó, tại 12 ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bố trí nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng dọc lộ trình tuyến; trong đó, bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m.
Dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, chiếm khoảng 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt tại Hà Nội.
Trong đó, Quốc lộ 6, đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có nhiều tuyến buýt chạy trùng với đường sắt đô thị nhất, gồm 5 tuyến: 01, 02, 21A, 27, 33. Đây là các tuyến buýt có lượng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong thời gian đầu, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành sẽ có khoảng 15 - 20% người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; trong đó, chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.
Tuy nhiên, mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao Dự án dự kiến vào ngày 31/12/2019 của Tổng thầu Trung Quốc là không khả thi, và chưa rõ bao giờ dự án này chính thức đi vào hoạt động.
Hiện nay, tồn tại, vướng mắc chủ yếu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là việc tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa dự án vào vận hành khai thác, trong đó bao gồm vấn đề đánh giá an toàn đoàn tàu và đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.