Nhiều cơ sở “ôm đất vàng” không di dời
Theo tờ trình, UBND thành phố đề xuất di dời 10 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch (do không phù hợp với quy hoạch xây dựng), thuộc trường hợp UBND cấp tỉnh ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch sau khi có ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Cụ thể, 10 cơ sở nhà, đất được đề xuất di dời gồm: Công ty In báo Nhân dân Hà Nội (số 15 Hàng Tre, quận Hoàn Kiếm); Báo Lao Động (số 51 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm); Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội mới (số 35 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm); Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (số 183 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình); Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (số 235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân).
Công ty TNHH MTV In và thương mại thông tấn xã Việt Nam (số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân); Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (số 551 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên); Tổng kho xăng dầu Đức Giang (số 26 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên); Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp (số 167/6 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa); Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm).
Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng Công ty CP Bia – rượu- nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám (Ngọc Hà, Ba Đình) phải di dời theo quy hoạch...
Đáng chú ý, có nhiều cơ sở nhà đất nằm tại vị trí “đất vàng” nội đô như Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng Công ty CP Bia – rượu- nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình đang hoạt động sản xuất. Theo tờ trình, quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2021, khu đất của nhà máy bia hiện nay là đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở và bãi đỗ xe…
UBND Thành phố Hà Nội cho biết, đề xuất trên nhằm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở nhà, đất phải di dời do không phù hợp quy hoạch trên địa bàn Thành phố, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 21 mục 2 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Thực hiện quy hoạch, năm 2015, UBND TP Hà Nội chính thức thành lập Ban chỉ đạo di dời tổng số 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận nội thành, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn tất. Tuy nhiên theo con số mới nhất từ Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay mới có 67 cơ sở sản xuất di dời ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Đặc biệt, có tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp “ôm đất vàng” nội đô không chịu di dời.
Cần chế tài đủ mạnh
KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô đã có định hướng và kế hoạch, được Chính phủ phê duyệt nhưng sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ quản đầu tư (các bộ, ngành) với các cơ sở (chủ sở hữu các khu công nghiệp) và thành phố.
Mặc dù quy hoạch chung đã có và việc điều chỉnh quy hoạch luật pháp cho phép, nhưng Hà Nội vẫn đang thiếu thiếu một quy trình cụ thể, thống nhất. Ngoài ra, việc di dời cần có sự giám sát của cơ quan quản lý và người dân.
Nhiều năm nay, rõ ràng phần lớn các cơ sở “ôm đất vàng” không thực hiện di dời nhưng cơ quan quản lý cũng không giám sát. Do đó, cần phải có chế tài bắt buộc, lấy ý kiến người dân, chuyên gia phản biện trong điều chỉnh quy hoạch.
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Hội Luật sư Hà Nội) cho rằng, trên thực tế, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó. Vì vậy, muốn thực hiện di dời, thành phố cần giao các sở, ngành liên quan xây dựng một hành lang pháp lý quy định rõ ràng. Các doanh nghiệp buộc phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận được sự hỗ trợ dịch chuyển.
Thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng đối với các đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới thì việc di chuyển mới nhanh được thực hiện…
Phân tích nguyên nhân khiến chủ trương di dời các cơ sở chưa được thực hiện quyết liệt, ông Mai Trọng Thái – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, việc chuẩn bị quỹ đất và xây dựng phương án hỗ trợ đảm bảo sản xuất của doanh nghiệp hậu di dời là yếu tố quan trọng quyết định đến tiến độ.
Việc di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành được chia làm 2 giai đoạn. Hiện tại, thành phố đã hoàn thành rà soát các cơ sở ô nhiễm và đang lập phương án di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô.
Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm bởi những lý do chủ quan và khách quan. Lý do chủ quan là sự vào cuộc của các cấp, ngành, quận huyện còn chưa thực sự hiệu quả, thậm chí là chưa thực sự quyết tâm.
Nguyên nhân khách quan liên quan đến cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ. Ngoài việc bố trí đất vẫn chưa có cơ chế gì để khuyến khích doanh nghiệp chuyển ra ngoại đô sản xuất. Việc hài hòa loại ích còn gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra ngoại đô, UBND Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt các sở ngành liên quan: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính… tập trung rà soát. Ban chỉ đạo di dời phải nghiên cứu, tham mưu cho thành phố, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích việc di dời.
Ngoài việc bố trí quỹ đất cho nhà máy, Hà Nội cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng để các doanh nghiệp chủ động triển khai di dời.
Đặc biệt, Hà Nội cần phối hợp với các bộ ngành, cơ quan chủ quản để giải quyết dứt điểm hàng chục doanh nghiệp đã được cấp đất nhưng vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để “giữ đất”. Doanh nghiệp, đơn vị nào đã di chuyển mà vẫn cố tình giữ đất thì cương quyết di dời, trả lại quỹ đất cho thành phố.