Cụ thể, bản cập nhật Play Protect có tính năng quét ứng dụng theo thời gian thực để xử lý các ứng dụng độc hại trước khi tải xuống và cài đặt trên thiết bị Android. Trong trường hợp nghiêm trọng, ứng dụng có thể bị chặn cài đặt.
Việc mở rộng kiểm tra dựa trên các biện pháp bảo vệ hiện có trước đó nhằm cảnh báo người dùng khi xác định một ứng dụng được cho là độc hại dựa trên thông tin quét hiện có hoặc được xác định là đáng ngờ từ các phương pháp phỏng đoán thu thập thông qua học máy trên thiết bị.
Với các biện pháp bảo vệ mới nhất, các tín hiệu quan trọng từ ứng dụng sẽ được trích xuất và gửi đến cơ sở hạ tầng phụ trợ Play Protect để đánh giá ứng dụng theo thời gian thực, nhằm xác định mức độ an toàn khi cài đặt hoặc các tính năng nguy hiểm tiềm ẩn của ứng dụng.
Đại diện Google tuyên bố: “Cải tiến này sẽ giúp bảo vệ người dùng tốt hơn trước nguy cơ các ứng dụng độc hại đang tận dụng nhiều phương pháp tấn công khác nhau, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tránh bị phát hiện”. Google cho biết thêm, tính năng này đang được triển khai ở một số quốc gia nhất định, bắt đầu từ Ấn Độ.
Cải tiến về bảo mật của Google được đưa ra khi các tin tặc đang tìm các cách khác nhau để phát tán phần mềm độc hại trên hệ điều hành Android, chủ yếu thông qua các liên kết đến ứng dụng lừa đảo hoặc tệp APK được gửi trên ứng dụng nhắn tin. Các cải tiến này tuân thủ các nội dung thuộc tài liệu bảo mật Android, trong đó "cung cấp cái nhìn tổng quan toàn diện về bảo mật chủ động, tích hợp sẵn của nền tảng trên phần cứng, chống khai thác, Dịch vụ bảo mật của Google và phạm vi API quản lý có sẵn cho các doanh nghiệp và chính phủ".
Trước đó, Google cũng vừa giới thiệu một tính năng mới trên smartphone Android, dự kiến sẽ giúp người dùng sửa chữa điện thoại mà không cần reset (đặt lại dữ liệu) máy, đó được gọi là Repair mode.
Chế độ này cho phép bạn gửi điện thoại của mình đi sửa mà không xoá bất cứ dữ liệu nào trên thiết bị. Khi kích hoạt, kỹ thuật viên sẽ không thể truy cập ứng dụng hay dữ liệu cá nhân của người dùng, trong khi đó vẫn có quyền kiểm tra các chức năng hệ thống như Wi-Fi, Bluetooth hay GPS.
Việc bật hay tắt Chế độ Sửa chữa sẽ yêu cầu mật khẩu màn hình khoá của thiết bị, do đó, kỹ thuật viên sẽ không thể truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng ngay cả khi khởi động lại điện thoại.