UBTVQH nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. |
Không để dân “đói cơm lạt muối”
Kết thúc phiên họp bất thường ngày 8/4, sau khi xem xét, cân nhắc, UBTVQH đã đồng ý với gói hỗ trợ an sinh xã hội do Chính phủ đề xuất. Đây là gói hỗ trợ quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.
Theo đó, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên sẽ được hỗ trợ thêm: 500.000đ/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000đ/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.
Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế;
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000đ/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000đ/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000đ/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Ngoài 6 nhóm đối tượng trực tiếp trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung”. Việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.
Với mong muốn không để người dân “đói cơm, lạt muối” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ giao các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn, đẩy mạnh triển khai, gấp rút đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ và thuận tiện trong việc tiếp cận gói hỗ trợ này.
Theo đề xuất của Chính phủ, trong gói 62.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỷ đồng; hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động khoảng 3.000 tỷ đồng; cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng.
Một điểm phát cơm miễn phí cho người nghèo. |
Phải đúng đối tượng thụ hưởng
Thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, UBTVQH và một số thành viên băn khoăn về việc chia 2 mức 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động do mức chênh lệch giữa hai nhóm khá lớn; việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…
Hơn bao giờ hết người dân đang mong mỏi gói hỗ trợ từng ngày để đảm bảo cuộc sống trong cơn đại dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát huy hiệu quả và tính nhân văn, nhân ái của gói hỗ trợ, các bộ ngành, địa phương cần phải giám sát chặt mọi hành vi trục lợi, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thực tế cho thấy có gói hỗ trợ dành cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, vùng gặp thiên tai… không thể đến đúng được đối tượng thụ hưởng chính sách. Tất nhiên, mỗi chính sách đều không thể tuyệt đối nhưng cần phải giảm thiểu đến mức tối đa sự sai lệch. Cần phải thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, qua báo chí, qua mạng lưới thông tin cơ sở... để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng chính sách, tự xác định được mình có nằm trong đối tượng của chính sách hay không.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, người dân và Chính phủ mong muốn gói hỗ trợ phải được trao đúng đối tượng. Các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo thì bà con ở thôn bản, khu phố, chính quyền địa phương nắm rất rõ. Do đó, cần phải công khai, minh bạch danh sách những người được hỗ trợ để nhân dân giám sát, tránh việc hỗ trợ nhầm, mập mờ số lượng người được hỗ trợ.
Trong các đối tượng được hỗ trợ, ông Lê Đình Quảng cũng băn khoăn về việc xác định đối tượng lao động không có hợp đồng lao động, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vị chuyên gia này cho rằng, sau khi phải nghỉ việc vì dịch bệnh, đối tượng lao động này về quê hoặc bươn chải kiếm sống ở nơi khác nên việc hỗ trợ của họ sẽ gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cũng cho rằng, chính sách có tốt, nhân văn nhưng thành bại là chính ở hệ thống người thực thi. Cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy nguồn nhân lực tại các cơ sở, địa phương và quan trọng nhất là cơ chế kiểm tra giám sát lẫn nhau. Có sự tổng kết rút kinh nghiệm từng giai đoạn, địa phương.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia đặt ra là hiện gói hỗ trợ an sinh có thời hạn trong 3 tháng, thể hiện sự kỳ vọng của Chính phủ trong khoảng thời gian này Covid-19 sẽ được khống chế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần nghĩ đến một kịch bản dài hơn trong trường hợp nếu hết thời gian thụ hưởng chính sách mà dịch vẫn chưa chấm dứt.
Trước những lo ngại trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, “chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”. Các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng.