Trước tình hình các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, người lao động mất việc làm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15 nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vào tháng 4/2020. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành thông tư 05 hướng dẫn cho vay tái cấp vốn 16 nghìn tỷ đồng, lãi suất 0% để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chủ trương chính sách trên của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao về tính kịp thời và chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, điều kiện cho vay khắt khe, thủ tục hành chính rườm rà đã hạn chế tính thực thi của chính sách. Chính vì vậy, không một doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được gói vay 16.000 tỷ đồng trên. Tại thời điểm 30/10, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện cho vay từ gói hỗ trợ này. Nhưng doanh nghiệp đó lại từ chối vay.
Thấy rõ được những bất cập trong chính sách gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quyết định 15. Điều kiện áp dụng cho vay cũng đã được cải thiện nới lỏng hơn. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021. Nhờ đó, chính sách mới được đi vào thực thi.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN, tính đến ngày 30/11/2020, cả nước đã có 95 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 32. Hơn 4.000 lao động đã được trả lương ngừng việc do ảnh hưởng Covid-19.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, kết quả trên là đáng chú ý, minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ và Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do Covid-19. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan, sự điều chỉnh, sửa đổi đã diễn ra quá lâu. Vì vậy, rất nhiều thời cơ cứu doanh nghiệp và người lao động đã bị bỏ qua.
"Lúc doanh nghiệp trông đợi và kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước nhất thì lại không có. Tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã không còn nhiều ý nghĩa trong hoàn cảnh này”, ông Cẩm chia sẻ.