“Crazy Rich Asians” nói về một người thừa kế của một gia đình Singapore dẫn bạn gái có xuất thân khiêm tốn về ra mắt. Phim chứa đựng nhiều chi tiết phô trương quá đà và sẽ khiến nhiều cư dân sống tại địa điểm chính trong bộ phim, Singapore và Hong Kong, phải nhớ lâu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc những thập kỷ gần đây đã góp phần gia tăng đáng kể số lượng cá nhân siêu giàu của châu Á. Trong vòng 4 năm qua, số lượng những người có tổng giá trị tài sản đầu tư trên 1 triệu USD ở Châu Á nhiều hơn bất cứ lục địa nào trên thế giới, theo phân tích của Capgemini – công ty chuyên về tư vấn. Trung Quốc cũng được cho là đang sở hữu số lượng tỷ phú vượt Mỹ.
Theo Rupert Hoogewerf, nhà sáng lập Hurun Report, nói: “Châu Á vẫn đang là lục địa sỡ hữu lượng tài sản lớn nhất thế giới – hơn cả Mỹ hay châu Âu”.
Hurun Report chuyên về theo dõi những người giàu có ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các gia đình giàu có nhất châu Á vẫn bị lu mờ bởi người Mỹ và châu Âu. Gia đình Walton, thế lực sở hữu một nửa Walmart, vẫn đang giữ vị trí độc tôn về gia đình giàu nhất Trái Đất với tổng tài sản lên đến 150 tỷ USD. Theo sau là anh em nhà Koch, Anheuser-Busch InBev và Hermes (theo chỉ số Bloomberg Billionaires).
Có 3 gia đình châu Á đã lọt vào top 25 của Bloomberg, không bao gồm thế hệ đầu tiên hoặc những gia đình được kiểm soát bởi một người thừa kế đơn lẻ. Trong tương lai, con số này có lẽ sẽ tăng lên khi tỷ phú như Jack Ma (Alibaba) tìm được người thừa kế.
Sua đây là chân dung 3 gia đình giàu nhất Châu Á:
Nhà Ambani
Mukesh Ambanis hiện là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Reliance Industries Limited.
Tổng tài sản: 43 tỷ USD
Gia đình giàu nhất Ấn Độ này bắt nguồn khi Dhirubhai Ambani, con trai một giáo viên, mở một doanh nghiệp về vải sợi từ những năm 1960 trước khi chuyển sang ngành hóa dầu. Kết quả là sự ra đời của Reliance Industries – một tên tuổi trong ngành. Sau khi Dhirubhai Ambani mất vào năm 2002, đế chế này được điều hành bởi 2 người con trai của ông, Mukesh và Anil.
Mukesh, người giàu nhất châu Á, gây chú ý năm 2010 khi đưa toàn bộ gia đình vào sinh sống tại một tòa nhà tráng lệ cao 27 tầng bao gồm hồ bơi, phòng khiêu vũ và khu vườn trải dài trên 3 tầng.
Nhà Kwok
Raymond Kwok, người duy nhất trong 3 anh em đang sở hữu doanh nghiệp bất động sản khổng lồ của gia đình.
Tổng tài sản: 34 tỷ USD
Gia đình Kwok đang sở hữu một doanh nghiệp bất động sản có quy mô tầm cỡ thế giới, Sun Hung Kai Properties. Công ty này đã góp phần tạo nên một hình ảnh Hong Kong tráng lệ với những công trình xây dựng các tòa tháp cao nhất của thành phố. Họ còn hoạt động khá mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Nội bộ gia đình Kwok lại khá kịch tính và chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa 3 anh em – Thomas, Raymond và Walter. Năm 1997, Walter đã bị bắt cóc trong một tuần và được trả tự do sau khi gia đình phải bỏ ra món tiền chuộc lên tới 77 triệu USD. Chỉ một thập kỷ sau, Walter bị 2 người kia ép phải rời vị trí chủ tịch công ty. Năm 2014, Thomas bị kết tội tham nhũng và từ đó Raymond nắm hoàn toàn quyền điểu khiển công ty.
Gia đình Lee
Lee Jae-yong, chủ tịch Samsung, sở hữu lượng tài sản giá trị ước tính 7 tỷ USD.
Tổng tài sản: 31 tỷ USD
Đế chế Samsung được thành lập bởi Lee Byung-chul năm 1938, bắt đầu là một doanh nghiệp nhỏ buôn bán thực phẩm. Họ mở rộng hoạt động ra nhiều ngành nghề sau nhiều thập kỷ bao gồm vải sợi, đóng tàu, tài chính và cuối cùng là điện tử.
Kun-hee, một trong những con trai của Lee, tiếp quản Samsung năm 1987 sau khi cha mất và chuyển hướng công ty từ sản xuất sản phẩm chất lượng thấp sang chất lượng cao.
Samsung đang là một nhà sản xuất điện thoại thông minh, vi mạch máy tính và các sản phẩm công nghệ khác có quy mô to lớn. Sau khi Kun-hee bị bại liệt bởi một cơn đau tim, con trai ông – Jae-yong – đã trở thành ông chủ của Samsung. Mối quan hệ giữa Samsung và giới chính trị gia Hàn Quốc trở thành tâm điểm sau khi Jae-yong bị kết tội tham nhũng vào năm 2017.
Tiểu Long/ Theo CNN Money/NDH