Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chia sẻ, theo dõi tình hình dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh, thành liên quan trong những ngày gần đây, không ai là không lo lắng. Nhưng lo lắng đến mức hoảng loạn về tâm lý, mà thiếu đi sự tỉnh táo là điều cần hết sức tránh. Phải bình tĩnh, chia sẻ, chung tay cùng thành phố và các địa phương tìm ra các giải pháp thích hợp nhất để đẩy lùi và loại bỏ đại dịch Covid-19 trong điều kiện hiện có.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. |
10 việc nên làm
1. Đưa F1 về cộng đồng, tập huấn kiến thức, phương pháp tự chăm sóc và kiểm tra, giao địa phương quản lý.
2. Đưa F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ về nơi cách ly hoặc điều trị tại nhà, tùy theo mức độ nặng, nhẹ, điều kiện kinh tế, ý thức và trong nhà hiện có người già, người mắc bệnh nền hay không.
3. Các bệnh viện dã chiến tiếp nhận và điều trị bệnh trung bình.
4. Các bệnh viện điều trị hồi sức Covid-19 tiếp nhận và điều trị bệnh nặng.
5. Ưu tiên bảo vệ người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, suy thận) bằng hạn chế tiếp xúc tại nhà và ưu tiên văcxin nhằm giảm thiểu tử vong.
6. Các tỉnh, dù có ca bệnh hay chưa, cũng nên nghiêm cẩn học lại bài học của các tỉnh đi trước và cập nhật các giải pháp đang có hiệu quả.
7. Xét nghiệm nhanh có lựa chọn. Có thể cho xét nghiệm nhanh tại nhà bằng các bộ kit test. Kết quả xét nghiệm là để phát hiện ca mắc và điều trị, không nên coi là Giấy thông hành, vì chẳng có tác dụng trong bao lâu.
8. Nhất quán giải pháp phổ biến đã được kiểm chứng là: Văcxin + 5K, Văcxin + 5K và Văcxin + 5K. 5K là để bảo vệ chống lây nhiễm. Văcxin là để bảo vệ giảm bệnh nặng, ngăn ngừa lây nhiễm.
9. Phải bình tĩnh. Biết đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để đối xử đúng mực với cộng đồng và để có ý thức bảo vệ cho nhau. Không được sợ hãi, hoảng loạn về tâm lý.
10. Không đóng cửa bệnh viện. Ngoài Covid-19, nhân loại còn có cả ngàn loại bệnh khác có thể giết người nhanh chóng.
Mời bệnh viện tư nhân chung tay
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, UBND TPHCM đang có nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng quá tải bệnh viện. Nhưng, nếu xác lập bệnh viện dã chiến mà lấy chung cư bỏ hoang rồi vệ sinh cho sạch, đưa mấy thiết bị sơ sài vào, cùng một vài chục nhân viên y tế để công bố là “bệnh viện” lại là điều cần xem xét cho thấu đáo.
Nếu bố trí các F0 sống và điều trị trong điều kiện như vậy thì nguy cơ tăng nặng bệnh tình và dẫn đến tử vong sẽ là điều thấy trước.
“Trong lúc này, lãnh đạo thành phố nên mời Giám đốc của khoảng 50 bệnh viện tư nhân đạt chuẩn trong thành phố đến gặp và đề nghị họ chung tay với thành phố, tôi tin rằng sẽ không ai từ chối. Bởi đó là đạo lý của người Việt Nam ta, là sức mạnh của dân tộc này”, Đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, 50 bệnh viện ấy sẽ có khoảng 10.000 giường bệnh đạt chuẩn, thừa sức giúp thành phố vượt qua cơn hoạn nạn. Về cơ chế trả lương và các chi phí khác, sự thỏa thuận sẽ nhanh chóng đạt được, nếu phát huy được tinh thần yêu nước, thương nòi trong lúc đất nước đang đối mặt với đại dịch.
Có như vậy mới theo kịp thực tế, giảm tải cho cho nhân dân, nhân viên y tế và các lực lượng chống dịch khác.
Trao đổi với báo chí, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã triển khai 19 bệnh viện (BV) dã chiến điều trị Covid-19 cho khoảng 18.000 bệnh nhân và tới đây sẽ lập thêm 5 BV để nâng công suất lên gần 50.000 giường. Việc triển khai BV dã chiến ở TPHCM nhanh và kịp thời nhờ có hạ tầng tốt. Tuy nhiên, nhân lực y tế phục vụ các BV này đang quá tải.