Chính phủ phải "cầm tay chỉ việc"
Thủ tướng Chính phủ vừa có một loạt chuyến công tác tới các địa phương. Mà nội dung của các chuyến công tác, thế nào cũng đề cập tới bàn cách đẩy nhanh sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương ấy. Với Thủ tướng và với Chính phủ, tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công là một giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong tình hình đại dịch Covid-19 tàn phá. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm trôi qua, mà tỷ lệ giải ngân đầu tư công dù có tăng, nhưng vẫn không đạt kế hoạch và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ.
Nửa đầu năm 2020, Bộ Tài chính ước mới giải ngân được 159.397 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là 145.270 tỷ đồng, đạt 37,55% kế hoạch; vốn nước ngoài là 7.061 tỷ đồng, đạt 12,52% kế hoạch; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065 tỷ đồng, đạt 25,85% kế hoạch. Có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Đáng chú ý, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Giải ngân đầu tư công chậm đã là thực tế, thành điểm nghẽn kéo dài nhiều năm rất lâu và chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn. Nhưng trong năm 2020, sự chậm ấy đã khiến người đứng đầu Chính phủ sốt ruột. Tại phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vẫn còn tình trạng nhiều địa phương đề nghị được bố trí vốn để đầu tư phát triển nhưng khi nhận được vốn xong lại không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, vẫn còn một lượng vốn rất lớn chưa được giải quyết.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của tình trạng này là do quan liêu, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung. Cùng một cơ chế chính sách có địa phương giải ngân rất tốt nhưng có nơi lại rất chậm - ông gay gắt nêu vấn đề.
Cũng tại hội nghị trên, một loạt những nguyên nhân “xưa như diễm” khác lại được nhắc lại, như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư với chi thường xuyên, niên độ Ngân sách Nhà nước…
Để xử lý tồn tại nhằm hướng tới mục tiêu nỗ lực phấn đấu cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công, Chính phủ đã đưa ra một loạt các thông điệp, tiếc là vẫn "quen tai", gồm xử lý vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân; điều chuyển từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân cao; định kỳ 15 ngày phải báo cáo Thủ tướng kết quả giải ngân.
Điểm mới của năm 2020 này, là Thủ tướng quyết định thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. Theo đó, sẽ có 7 đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn sẽ thực hiện kiểm tra từ ngày 18/7 - 31/8/2020.
Được biết, cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm. Cho đến nay Chính phủ vẫn chưa được Quốc hội trao quyền vượt rào của pháp luật để thực hiện các giải pháp vì lợi ích của nền kinh tế.
Bơm vốn, lũ ở phía trước
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 1,81%, là mức thấp nhất trong giai đoạn từ 2011 - 2020. Mới đây, Chính phủ cũng đã phải điều chỉnh từng bước mức tăng trưởng GDP năm 2020 từ mức 6,8% xuống 5% và hiện tại còn 3 - 4%. Nhưng khả năng đạt được mức tăng trưởng giảm vẫn là khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đang bị tổn thương lại đang đối diện nguy cơ mới, khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trong nội địa.
Tất nhiên, kiềm chế đại dịch sẽ là điều kiện cần để kinh tế hồi phục. Nhưng bên cạnh đó, điều kiện đủ là các giải pháp tài chính từ phía Chính phủ. Hiện, nhờ việc nhanh chóng làm phẳng đường cong dịch Covid-19, Việt Nam đã có điều kiện cần. Ở điều kiện đủ, các giải pháp về chính sách cũng nhanh chóng được Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đều đang bộc lộ nhiều yếu điểm.
Về chính sách tiền tệ, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại ngày một lớn, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư 01 nhằm giữ nguyên bậc tín nhiệm, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn... Nhưng tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm mới dừng ở mức 3,26%. Ngoài ra, do đặc thù, chính sách tiền tệ tại Việt Nam thường có độ trễ lớn. Nếu cố gượng ép bơm tiền mạnh, áp lực lạm phát sẽ gây ra các bất ổn kinh tế trong dài hạn.
Về chính sách tài khoá, do nguồn lực hạn hẹp, khó có thể triển khai sâu rộng chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp như các nước phát triển nên mới chỉ dừng lại ở việc giảm bớt thuế, cắt giảm các loại phí để doanh nghiệp dễ thở.
Vì các yếu điểm trên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, một chính sách khác là chính sách kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư vào của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng phải được coi là giải pháp trọng điểm, nguồn vốn quan trọng, một trong 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Hơn nữa, khi vốn ODA được giải ngân sẽ giúp Chính phủ tránh được trường hợp không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, chỉ cần tăng 1% vốn đầu tư công thì tăng trưởng GDP sẽ thêm 0,06%. Năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công nguồn được phép thực hiện là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực hiện giải ngân trong năm 2019, bao gồm 470.600 tỷ đồng trong dự toán năm 2002 và 225.200 tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.