Như thường lệ, sáng nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Thu Hương ở Tổ dân phố Trung 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng đến chợ đầu mối Xuân Đỉnh để mua thực phẩm cho gia đình. “Mỗi ngày, tôi đem từ chợ về khoảng 4 túi nilon vì người ta cho tôi miễn phí khi tôi mua hàng của họ. Trong nhà tôi cũng có nhiều túi như vậy để dùng cho nhiều việc khác nhau”, bà Hương cho biết.
Tại khu chợ này, hàng nghìn chiếc túi nilon và các sản phẩm nhựa như ống hút, đũa, thìa nhựa… được tiêu thụ hằng ngày. Xung quanh chợ là một số bãi rác nhỏ chưa dọn có nhiều sản phẩm nhựa bị thải bỏ, quyện với mùi thực phẩm, hoa quả ôi thiu mà các quầy hàng bỏ lại…
Các sản phẩm túi nilon và nhựa mà gia đình bà Hương ở Xuân Đỉnh đang sử dụng thường được sản xuất thủ công ở trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rất rẻ. Ví dụ, tại các khu chợ và siêu thị ở Hà Nội, giá túi nilon từ 35.000 - 42.000đ/kg tùy loại. Giá hộp nhựa đựng cơm loại 3 ngăn (dùng một lần) được bán với giá 80.000đ/150 cái; bịch ống hút được bán với giá từ 15.000 - 25.000đ…
Trên thực tế, hàng triệu hộ gia đình và rất nhiều khu chợ truyền thống tại Việt Nam đang sử dụng các sản phẩm túi nilon và nhựa khó phân hủy, mà không ý thức được rằng chúng có thể gây hại đến sức khỏe và môi trường - một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay, không chỉ đối với Việt Nam và đối với cả toàn cầu.
Sự nguy hại
Theo Báo cáo “Nhựa: Chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phát hành vào tháng 9/2021, chi phí của nhựa đối với môi trường và xã hội cao hơn ít nhất 10 lần so với giá thị trường mà các nhà sản xuất nhựa nguyên sinh phải trả, kéo theo những chi phí phát sinh đáng kể cho các quốc gia. Việc các chính phủ chưa hiểu rõ về chi phí thực tế của nhựa đã dẫn đến công tác quản lý kém hiệu quả đối với loại vật liệu này và làm tăng chi phí sinh thái, xã hội và kinh tế đối với các quốc gia.
Trong 50 năm qua, tổng lượng nhựa được sử dụng trên toàn cầu đã tăng 20 lần và dự kiến trong 20 năm tới lượng nhựa này sẽ tiếp tục tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, nhựa cũng gây ra nhiều vấn đề mà không dễ xử lý. Trong số những vấn đề mà báo chí đề cập và tại các diễn đàn quốc tế, vấn đề rác thải ra đại dương đang là vấn đề hóc búa. Theo Tổ chức Strawless Ocean - tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường biển, hằng năm, rác thải nhựa giết chết hơn 1 triệu con chim biển, hơn 100.000 động vật có vú trên biển và rất nhiều loại cá khác nhau. Nhựa có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên trong hơn 2.000 năm mà không bị phân hủy hết.
Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) có trụ sở tại Thụy Sỹ, hiện nay, hơn 80% rác thải biển trên thế giới được thải ra từ đất liền và số còn lại được thải trực tiếp xuống biển.
Trong khi đó, tại Việt Nam, IUCN ước tính, gần 18.000 tấn chất thải nhựa được thải ra mỗi ngày. Ngoài ra, Việt Nam được coi là nước thải chất thải nhựa lớn xuống biển trên thế giới, khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm.
“Hành động này có thể gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển. Nhiều sản phẩm nhựa bị thải loại có thể thấy ở khắp nơi, như kênh, rạch, cống, rãnh, gây ra lụt lội, mùi hôi thối, ký sinh trùng, và nhiều loại bệnh tật”, báo cáo của IUCN viết. Ngoài ra, ô nhiễm nhựa có thể tạo ra khí mê-tan, rất có hại cho sức khỏe.
Bà Riina Antikainen, Giám đốc Chương trình Kinh tế Tuần hoàn bền vững thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường Phần Lan cho rằng, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng cần phải giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa và đẩy mạnh nghiên cứu ra các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.
“Nhựa không thuộc về thiên nhiên. Lượng rác thải nhựa và chất thải có thể được giảm thiểu thông qua việc tác động vào thái độ của con người và thay đổi cách chúng ta hành động. Thói quen tiêu dùng bền vững và việc đẩy mạnh tái chế và tái sử dụng các sản phẩm đều là các phương pháp hiệu quả”, bà Antikainen nhấn mạnh.
Theo báo cáo của WWF, năm 2019, riêng Mỹ đã chuyển 83.000 tấn nhựa phế liệu sang Việt Nam, tương đương với lượng chất thải nhựa do khoảng 300.000 hộ gia đình Mỹ phát sinh hằng năm.
“Nhiều quốc gia nhập khẩu có hệ thống quản lý chất thải hạn chế, ví dụ như ở Việt Nam, 72% lượng chất thải nhựa chưa được quản lý phù hợp và trở thành ô nhiễm nhựa. Tình trạng ô nhiễm nhựa như vậy gây ra vô số ảnh hưởng tiêu cực cho các quốc gia tiếp nhận, bao gồm nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm, cây trồng bị chết, các bệnh về đường hô hấp do tiếp xúc với nhựa đốt”, báo cáo nhấn mạnh.
Nhựa là tài nguyên
Trong khi Việt Nam đang nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, một nghiên cứu mới của Tổ chức Tài chính quốc tế - Ngân hàng Thế giới cho thấy, việc quản lý nhựa đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, giúp nhân rộng nỗ lực tái chế cùng các nỗ lực khác nhằm thúc đẩy tuần hoàn nhựa, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Theo báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa, chỉ có 33% của 3,9 triệu tấn các loại nhựa sử dụng phổ biến được thải ra hằng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Nghiên cứu ước tính rằng nền kinh tế đã lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa - tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm.
“Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng đã làm tăng đáng kể mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa và bao bì, khiến các thị trường mới nổi trong khu vực trong đó có Việt Nam trở thành điểm nóng về ô nhiễm nhựa”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. “Tuy nhiên, đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa”.
Trên phạm vi toàn cầu, tới 50% rác thải nhựa đại dương xuất phát từ bao bì sử dụng một lần hoặc sử dụng ngắn hạn. Đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn do lượng tiêu thụ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đóng chai nhựa và bao bì đóng gói cho các đơn hàng trực tuyến gia tăng đột biến. Ô nhiễm nhựa do rò rỉ từ môi trường ra môi trường biển ở mức đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam bởi đặc thù đường bờ biển dài. Để ứng phó với tình trạng này, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đặt mục tiêu giảm 75% lượng rác thải nhựa đại dương trong 10 năm tới.
Nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới sử dụng phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị nhựa để xác định cách thức các loại nhựa phổ biến được sản xuất, sử dụng, quản lý ở Việt Nam và khuyến khích tăng cường phân loại, thu gom, tái chế rác thải để tận dụng hết giá trị của vật liệu nhựa.
“Một nền kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu tăng trưởng carbon thấp. Tái chế nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu có giá trị”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào nói. “Nâng cao lợi ích kinh tế của việc tái chế nhựa sẽ giúp huy động đầu tư nhiều hơn của khu vực tư nhân để giải quyết hiểm họa ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các ngành quan trọng như du lịch, vận tải biển và thủy sản, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề”.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp ngắn và dài hạn để nâng cao nhu cầu trong nước đối với nhựa tái chế và mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế nội địa bằng cách cải thiện môi trường thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân. Cụ thể, nghiên cứu kiến nghị tăng cường năng lực quản lý rác thải, thiết lập “mục tiêu về hàm lượng tái chế” đối với các sản phẩm phổ biến đến tay người sử dụng và yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các tiêu chuẩn “thiết kế để tái chế” đối với các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đối với bao bì, cùng nhiều kiến nghị khác.
Hành động
Ngày 22/7/2021, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”. Theo đề án này, phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Đề án cũng phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án là xây dựng nội dung giáo dục về quản lý chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần để đưa vào chương trình các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp. Tăng cường vai trò tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trong việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, nhiệm vụ và giải pháp khác là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, để đề án này có thể được thực hiện một cách hiệu quả, trước hết, phải có các chương trình đến tận các thôn xóm, khu phố để tuyên truyền hạn chế và dần loại bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Xuân Đỉnh, Hà Nội cho biết, tại địa phương của bà vẫn chưa có chương trình nào liên quan đến phổ biến kiến thức về sử dụng các sản phẩm nhựa và các túi nilon.
“Dù sao khi đi chợ, sử dụng túi nilon như thế này miễn phí cũng khá tiện lợi. Nếu có các chương trình tuyên truyền thì cũng hay hơn và chúng tôi cũng có thể sẽ làm theo. Nhưng vấn đề là, nếu sử dụng túi nilon thân thiện môi trường mà phải trả tiền thì chưa chắc chương trình đã hiệu quả. Bản thân gia đình tôi chưa chắc đã dùng”, bà Hương thẳng thắn.
Trong khi các chính sách của nhà nước chưa đến được các khu dân cư thì tình trạng ô nhiễm các sản phẩm nhựa, túi nilon vẫn đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh cả về mặt vĩ mô, sẽ gây ảnh hưởng đến nỗ lực của đất nước trong việc đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa các lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.
Rác thải nhựa rất khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân hủy khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm đến hàng nghìn năm. Đơn cử theo thông tin từ Tạp chí Môi trường & Đô thị: Chai nhựa phân hủy sau 450 - 1.000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 - 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm...