Giá xăng có thể tăng 32.000 đồng/lít?

Theo đà tăng mạnh của giá xăng thế giới, trong kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng trong nước có khả năng tăng tới 1.000 đồng/lít, kéo giá xăng RON95 lập kỷ lục mới. Nếu vậy, giá xăng sẽ tăng lần thứ 6 liên tiếp.

Theo quy định tại Nghị định 95, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, nghỉ lễ, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo.

tang-gia-xang.jpg

Do vậy, kỳ điều hành này thay vì được thực hiện vào ngày 11/6 (thứ bảy) thì chuyển sang ngày mai, thứ hai (ngày 13/6).

Tại kỳ điều chỉnh này, nhiều khả năng giá xăng lại tăng lần thứ 6 liên tiếp. Mức tăng có thể lên tới 700-800 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu được dự báo tăng cao hơn, có thể lên tới khoảng 3.000 đồng/lít.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá xăng dầu trong nước đang âm so với giá thành phẩm bình quân tại thị trường Singapore khoảng 500-800 đồng/lít xăng; còn các loại dầu khoảng 2.900-3.300 đồng/lít. Mức tăng cụ thể, chính xác của kỳ điều hành tới ra sao sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng quỹ bình ổn.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 9/6 cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore là 148,6 USD/thùng đối với xăng RON 92; 154,2 USD/thùng đối với xăng RON 95. Trong khi đó, giá dầu diesel có nhiều thời điểm còn vượt 170 USD/thùng.

Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 1/6, xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít; dầu diesel tăng 840 đồng/lít; dầu hỏa tăng 940 đồng/lít; giá dầu mazut tăng 310 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít; dầu diesel là 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/kg, dầu mazut là 20.900 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng quá cao và liên tục là nỗi lo lớn của người dân và doanh nghiệp, là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội. Việc giá xăng dầu tăng cao đẩy giá các mặt hàng hóa khác, tăng áp lực lên lạm phát.

Trả lời về giải pháp khi giá xăng dầu tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh lại thuế.

"Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

"Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh. Thông qua việc hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân vươn khơi bám biển", ông Diên nói thêm.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí, xem phần nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội, phần nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phần nào của Chính phủ.

"Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong công thức giá cơ sở là trách nhiệm của ai? Có phải của Chính phủ không, không phải cái nào của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đâu", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Theo ông, cũng cần phải nghiên cứu các công vụ và giải pháp để hỗ trợ người dân khó khăn, ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao. "Giá theo thị trường nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Đời sống
back to top