Thời tiết Miền Bắc đang trong những ngày giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, số trẻ mắc các bệnh hô hấp tiếp tục tăng, đặc biệt là cúm A. Virus cúm có thể tồn tại hàng giờ bên ngoài môi trường, đặc biệt là trong thời tiết trở lạnh và độ ẩm thấp, do vậy mức độ lây lan càng tăng cao
Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trong vài tuần trở lại đây có nhiều trẻ đến khám được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A với các triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, có thể xuất hiện buồn nôn, tiêu chảy.
Gia tăng trẻ mắc cúm A khi trời trở lạnh: phòng tránh thế nào? |
Theo BSCKII. Dương Văn Linh-Trưởng khoa khám bệnh: Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, lây nhiễm qua đường hô hấp, trực tiếp từ người bệnh sang người khoẻ qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết do ho khạc, hắt hơi hoặc dính trên các vật dụng.
Thông thường người bệnh có thể hồi phục sau từ 2 – 7 ngày, nhưng đối với người lớn tuổi, trẻ em, người mắc bệnh về thận, thiếu máu, tim phổi hay suy giảm miễn dịch… đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, có nguy cơ cao bị biến chứng nguy hiểm..
Do đó, khi trẻ có những biểu hiện sau thì cần đưa ngay tới cơ y tế:
- Sốt cao liên tục từ 39ºC trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Co giật.
- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.
- Trẻ khó thở, thở nhanh.
Để chủ động phòng chống các chủng cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
5. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.