Tuy mức tăng trưởng này giảm hơn nhiều so với mục tiêu đưa ra ban đầu là 6,5%, nhưng Tổng cục Thống kê cho rằng đây là một thành công lớn của Việt Nam trong năm 2021 đầy khó khăn và thách thức.
Khu vực đóng góp nhiều nhất là công nghiệp và xây dựng với 63,80%. Sau đó đến khu vực dịch vụ đóng góp 22,23% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.
Trái ngược với những quý trước, tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 4 đã cho thấy sự khởi sắc rõ nét. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205.100 lao động.
Theo Tổng cục Thống kê dự kiến quý 1/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Nhưng vẫn có tới 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Ngoài ra, tính chung năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,79 triệu tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu hàng hoá được xem là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế nước ta trong năm nay khi đạt tổng kim ngạch 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.
Đáng chú ý, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có tới 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng tăng so với năm trước, ước đạt 332,25 tỷ USD. Tính chung cả năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô xuất siêu 29,36 tỷ USD.
Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. Còn CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.