Chiếc găng tay ngôn ngữ thông minh này có khả năng đọc các chuyển động của bàn tay và chuyển đổi những ngôn ngữ ký hiệu đó thành văn bản.
Đây không phải là thiết bị mang tính đột phá đầu tiên được thiết kế nhằm phá vỡ rào cản giao tiếp giữa người khiếm thính và người bình thường. Trước đó, nhiều phát minh tương tự đã từng lần lượt xuất hiện nhưng không thông dụng, do gặp các vấn đề về thiết kế và sự tiện lợi.
Găng tay ngôn ngữ mới có hình dáng thiết kế tương tự như một đôi găng tay thể thao với chất liệu bằng da. Nó được tích hợp cùng một phương pháp theo dõi chuyển động như bất cứ thiết bị găng tay nào khác. Trên găng tay có tổng cộng 9 bộ cảm biến gắn liền với từng khớp ngón tay, cụ thể mỗi ngón sẽ có hai bộ và riêng ngón cái thì chỉ có một. Toàn bộ hệ thống này sẽ được nối với một bảng mạch gắn trên cổ tay. Từ đó mỗi vị trí ngón tay tương ứng sẽ tạo ra một chữ cái nhất định trong bảng ký hiệu ngôn ngữ Mỹ.
Các dãy mã trong thiết bị hoạt động dựa trên hệ nhị phân. Bộ phận cảm biến có chức năng thay đổi điện trở bất cứ khi nào ngón tay cong lại hay duỗi ra. Khi ngón tay duỗi thẳng, thiết bị sẽ ghi nhận đó là số 0, còn khi ngón tay co lại là số 1. Sau khi đã kết hợp tất cả những tín hiệu đến từ chín bộ cảm biến trên găng tay, hệ thống thu thập được một dãy mã bao gồm chín chữ số. Mỗi dãy mã này sẽ tương ứng với một chữ cái nhất định.
Chẳng hạn như trong ngôn ngữ kí hiệu, chữ A được tạo ra bằng cách giữ ngón cái thẳng và gập những ngón còn lại vào trong. Tuy nhiên đôi lúc sẽ xuất hiện những động tác trùng lặp nhau và để giải quyết vấn đề này, nhóm phát triển đã trang bị kèm theo một máy đo gia tốc và bộ cảm biến áp suất nhằm giúp thiết bị phân biệt dễ dàng hơn.
Tiếp theo đó, vi mạch xử lý có nhiệm vụ chuyển đổi những dãy mã này thành một dãy các ký tự chữ cái cụ thể và truyền qua Bluetooth. Dữ liệu thu được sẽ xuất hiện trên màn hình smartphone hoặc máy tính. Với mong muốn mọi người đều có thể tiếp cận được hệ thống này, nhóm đã đưa vào sử dụng các vật liệu với giá thành hợp lý và áp dụng phương pháp sản xuất ít tốn kém để chế tạo ra “Găng tay ngôn ngữ”. Trong tương lai, thiết kế này có thể được dùng để điều khiển bàn tay ảo hay tay của người máy, nhằm mục đích huấn luyện trong giải trí, y tế hay quân sự.
Nhà nghiên cứu đầu tiên về Găng tay ngôn ngữ, ông Timothy O’Connor cho biết: “Nhận diện cử chỉ mới chỉ là một phần chức năng của chiếc găng tay này. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là phát triển nó thành một chiếc găng tay thông minh, cho phép mọi người có thể sử dụng tay để điều khiển thực tế ảo trong tương lai, góp phần mang lại tính trực quan hơn khi sử dụng các thiết bị điều khiển hiện có. Việc này sẽ mang đến nhiều lợi ích khi chơi game cũng như giải trí, nhưng quan trọng hơn hết là đóng góp một phần không hề nhỏ cho quá trình huấn luyện ảo, chẳng hạn như trong y học.
Theo Tăng Ngọc Dung (GD&TĐ)