EVFTA: Lợi ích chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn

(khoahocdoisong.vn) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng để có hiệu quả như kỳ vọng, thì vẫn cần thời gian và những điều chỉnh tích cực từ phía doanh nghiệp.

Lợi ích của EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và nước thành viên EU. EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngoài việc 99% thuế quan sẽ được giảm trong vòng 10 năm tới và tăng trưởng kinh tế đi kèm, EVFTA được các chuyên gia kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam "bắt kịp các tiêu chuẩn thế giới" về môi trường, quyền lao động và phát triển bền vững.

Với 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Đặc biệt, với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế sau một lộ trình ngắn, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết.

Theo nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn, với khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về vĩ mô, EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,30% giai đoạn 2024-2028 và 7,07-7,72% giai đoạn 2029-2033.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, toàn bộ sản phẩm xuất khẩu chính được hưởng ưu đãi thuế, thuận lợi hóa thương mại từ EVFTA. Cụ thể, các ngành mũi nhọn của nông sản: gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi từ năm đầu. Tiếp đó dệt may, da giày, đồ gỗ, tin học và ngành mới như ôtô, hóa dầu sẽ được nhiều ưu đãi các năm tới. Tính toán sơ bộ cho thấy đến năm 2020, nếu thực hiện hiệp định, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào châu Âu sẽ đạt mức 20%. Năm 2025 và 2030 có thể tăng trưởng 80%, thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ.

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam đã ký kết và triển khai 10 FTA khác nhau. Ngoài hiệp định mang tính khu vực, Việt Nam cũng có ký những hiệp định mang tính song phương như với Hàn Quốc, Chilê hay Nhật Bản. EVFTA sẽ cho phép Việt Nam, nền kinh tế với hơn 90 triệu người, tiếp cận thị trường 508 triệu dân của EU, nơi có tổng GDP khoảng 18 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, CPTPP bao phủ khu vực rộng lớn với 485 triệu người thuộc 11 quốc gia và tổng GDP trị giá 13,5 nghìn tỷ USD. CPTPP bao gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chi lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singarpore và Việt Nam.

Nhiều cam kết khó triển khai

Theo nhiều chuyên gia, EVFTA vừa ký kết tạo ra những áp lực cần thiết để doanh nghiệp Việt phải tự nâng cấp, tạo sức cạnh tranh tốt hơn trong cuộc chơi thương mại với các nước EU. Thực thi EVFTA, điều lo lắng nhất là năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Và thực tế, EVFTA chưa phải là “cú hích” mang lại hiệu quả ngay như nhiều người kỳ vọng.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) ví dụ, với EVFTA, Việt Nam không còn nhiều dư địa để ngành dệt may, da giày đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu. Việt Nam vẫn đang được EU cấp quy chế ưu đãi thuế quan (GSP). EVFTA đưa ra lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, nhưng ngay từ năm đầu tiên đã có khoảng 37% số dòng sản phẩm da giày được đưa về mức 0%, phần còn lại giảm dần sau 3-7 năm.

Nhưng tỉ lệ sản phẩm da giày xuất khẩu sang EU của Việt Nam đều nằm trong các dòng sản phẩm được hưởng mức thuế suất 3-7 năm, túi xách được hưởng ngay thuế suất 0% mà không cần lộ trình giảm. Hiện da giày Việt Nam đang được EU cấp quy chế GSP với thuế suất dao động dưới 8%. Khi thực thi EVFTA, EU sẽ mặc nhiên bỏ GSP ngay. Nên các doanh nghiệp xuất khẩu nào đạt yêu cầu theo quy định của EVFTA sẽ được hưởng ngay mức thuế suất thấp. Ngược lại sẽ phải chịu mức thuế cao, chứ không được hưởng quy chế GSP nữa.

EU hiện chiếm 32% thị trường xuất khẩu từ Việt Nam. Do còn được hưởng GSP từ năm 2014, nên mức tăng trưởng ở thị trường này cũng chỉ 5-6% khi thực thi EVFTA, mang về tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ thị trường này chỉ thêm khoảng 3%/năm. Như vậy, có nghĩa EVFTA chưa thể tạo nên những cú biến chuyển lớn như mọi người vẫn nghĩ.

Theo ông Kiệt, trước mắt, các doanh nghiệp phải tận dụng được tỉ lệ hàm lượng giá trị trong khu vực (regional value content - RVC) đối với hai hiệp định nói trên. Tức phải biết sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên trong CPTPP lẫn EVFTA khi sản xuất, nhằm đạt yêu cầu theo quy định nếu muốn được hưởng thuế suất thấp. Trong khi đó, năng lực của các doanh nghiệp Việt chỉ cơ bản đáp ứng được các điều kiện cần. Để đáp ứng được các điều kiện đủ còn nhiều vấn đề phải giải quyết ở cấp Chính phủ.

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài Chính, do hiện nay Việt Nam ký kết và triển khai 10 FTA khác nhau, ngoài hiệp định khu vực còn có hiệp định song phương với các nước, vì vậy, doanh nghiệp được lựa chọn hiệp định nào đem lại thuế suất tốt nhất. Muốn vậy, doanh nghiệp phải so sánh biểu thuế trước khi khai báo.

Nhận định về tác động của EVFTA, ông Sebastian Eckardt - kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, hiệp định này có nhiều cam kết khó triển khai và lợi ích đầy đủ cũng khó có được ngay. "Tăng niềm tin nhà đầu tư, tăng vốn FDI và đẩy mạnh xuất khẩu là các triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nó chỉ có thể hiện thực hóa nếu làm đúng cam kết, nâng cao chất lượng triển khai" - ông Sebastian nhận định - và cho rằng quá trình này cần nhiều thời gian, tác động chưa thể phản ánh trong ngắn hạn.

Theo Đời sống
back to top