EVFTA được thông qua: Cơ hội của doanh nghiệp Việt đã đến

(khoahocdoisong.vn) - Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Khi có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xóa bỏ ngay 48,5% dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, thị phần xuất khẩu sang châu Âu tại công ty bị giảm bớt do chịu ảnh hưởng tiêu cực của thẻ vàng từ EU (chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp - IUU) và do dịch Covid-19, nhiều đơn hàng xuất đi bị chậm, thậm chí bị hủy. Việc EVFTA được Quốc hội thông qua ở thời điểm hiện tại thực sự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp thủy sản nói riêng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Công ty của bà Lan đã có những kế hoạch cụ thể để quay lại đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước cho rằng, EVFTA được Quốc hội thông qua sẽ mở ra một không gian mới, thời kỳ mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bởi hiệp định sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020, trong điều kiện Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đầu tiên tái khởi động lại các hoạt động kinh tế sau Covid-19, thì EVFTA sẽ là một cú hích cho kinh tế Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong thời gian tới.

EVFTA là điều kiện cực kỳ thuận lợi để gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.

EVFTA là điều kiện cực kỳ thuận lợi để gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, EVFTA cũng là thách thức vô cùng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật (hàng rào phi thuế quan). Để xuất khẩu qua châu Âu, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của EU, mỗi quốc gia nhập khẩu đều có những tiêu chuẩn riêng, khắt khe, mà những tiêu chuẩn đó đến từ những hội, hiệp hội không phải tổ chức nhà nước nhưng có uy tín rất lớn như hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hội về bảo vệ môi trường...

Dù vậy, đây rõ ràng là một cơ hội rất lớn, là điều kiện cực kỳ thuận lợi để gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, cũng là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thay đổi mình nếu không muốn bị đào thải. Riêng Công ty Thuận Phước tự tin đáp ứng toàn bộ các quy định cũng như các ràng buộc hợp đồng kinh doanh của các đối tác có các tiêu chuẩn, quy định khắt khe nhất. "Hiện châu Âu chiếm khoảng 60% thị phần xuất khẩu của Thuận Phước, chúng tôi cũng trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu của chế biến thủy sản", ông Lĩnh cho biết

Đa dạng hóa thị trường

Dù dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến kinh doanh và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng thông tin liên quan đến việc hiệp định phê chuẩn này thực sự vẫn là một tín hiệu mừng. Việc phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ, sẽ sớm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường tốt hơn và phục hồi sản xuất. Về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD, và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Việc EVFTA có hiệu lực chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn EU, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giầy… Đây là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ quyết tâm thúc đẩy nhằm tháo gỡ khó khăn khi mà nền kinh tế đang gánh chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.

EVFTA sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

EVFTA sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: “Ở góc nhìn thời hậu dịch và nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế Việt Nam. Đây là thời điểm mọi sự chuẩn bị vẫn phải được nhắc đến để việc tận dụng cơ hội là tốt nhất, cả từ phía Chính phủ”.

Nhận định về những cơ hội mà EVFTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho đầu tư, cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, xuất khẩu tăng là hiệu ứng đầu tiên, dễ nhận biết nhất những cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, cả từ trong nước và nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực sản xuất mới là hiệu ứng được trông đợi nhất bởi nó sẽ giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn. “Nhiệm vụ của ta là chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng, về nhân lực, về cơ chế... để đón dòng đầu tư này” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng khẳng định, trong khi tất cả các nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, EVFTA là một bước thay đổi dài hạn trong quan hệ giữa EU và Việt Nam, kỳ vọng sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, ngay bây giờ, các bên cần bảo đảm việc triển khai Hiệp định diễn ra suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định này mang lại.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21 - 8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; tăng 11,12 - 15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98 - 21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top