Dùng túi nilon đựng thực phẩm có độc?

Dùng túi nilon đựng thực phẩm có bị nhiễm độc là câu hỏi của nhiều người đặt ra. Vậy sự thực điều này thế nào, dùng cách nào cho an toàn?

GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, chuyên gia về polyme, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Hiện nay mọi người hay dùng túi nilon đựng thực phẩm, gọi túi nilon thực ra là gọi sang tên một loại polyme khác là polyamit.

Tên chính xác của các túi “nilon” hiện nay là polyetylen (còn gọi là PE). Chất này được sản xuất, tổng hợp từ khí etylen tinh khiết dưới sự xúc tác của oxy ở áp suất cao. Vì thế, các loại túi PE nguyên chất này không độc hại cũng như không thôi nhiễm ra chất gây độc.

Tuy nhiên, do quá trình ra thị trường, các nhà sản xuất đã cho thêm các chất phụ gia, phẩm màu nhằm mục đích tạo nên các màu sắc bắt mắt như xanh, đỏ, vàng… Các chất này bao gồm cả các chất hữu cơ và vô cơ với các hợp chất vô cơ như oxit sắt, cromat kẽm…. Khi cho thực phẩm vào túi, trong điều kiện sử dụng các chất này có thể sẽ thôi ra và ngấm vào thực phẩm.

Thông thường nhiệt độ cao sẽ thôi nhiễm nhiều, nhiệt độ thấp vẫn khuếch tán nhưng chậm và ít hơn. Nhưng dù là ở mức phần triệu thì các chất này ngấm vào tế bào thực phẩm và tích lũy dần thành nhiều cho người ăn, từ đó gây độc hại. Nhất là khi bảo quản thực phẩm ở ngăn đá thường trên 10 ngày trở lên, vì thế nguy cơ bị tích lũy chất độc càng cao.

Để an toàn, người dân có thể sử dụng các túi “nilon” màu trắng trong bởi chúng an toàn hơn. Hay nói cách khác, túi “nilon” trắng không có chất phụ gia gì để thôi ra. Nhựa polyetylen có thể chịu được nhiệt độ 100 độ C nên không độc hại, còn ở nhiệt độ thấp không bị ảnh hưởng gì.

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng túi “nilon” màu trắng đục. Loại này thường được cho thêm oxit titan nên không gây độc hại.

Còn để an toàn tuyệt đối, nên dùng hộp nhựa hoặc thủy tinh để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Các hộp bằng nhựa PET đã được chứng minh không thôi nhiễm khi sử dụng đựng thực phẩm.

PV

Theo Đời sống
back to top