Theo TS Lê Trọng Hưng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, mỗi loại nước sạch sử dụng cho sinh hoạt cần được dùng khác nhau. Đối với nước máy, cần bố trí vị trí vòi nước, dụng cụ chứa nước cách xa nhà tiêu, chuồng gia súc, Nơi lấy nước được tráng rửa sạch sẽ, có chỗ thoát nước. Đậy nắp bể chứa nước để tránh bụi bẩn và các con vật rơi vào. Thường xuyên súc rửa dụng cụ chứa nước. Vệ sinh sạch sẽ xung quanh khu vực vòi nước. Dùng nước qua vòi, hạn chế múc nước bằng gáo, nếu phải múc nước bằng gáo nên dùng gáo có cán để tránh nhiễm bẩn. Đui sôi nước trước khi dùng cho ăn uống. Không dùng bề mặt chứa nước làm chỗ phơi hay các hoạt động khác. Không tắm rửa, đại tiểu tiện ở nơi nguồn nước. Không vứt xác súc vật chết, rác thải xuống ao hồ, sông rạch. Không sử dụng các chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học gần nguồn nước....
Đối với nước giếng khoan tại các hộ gia đình, nước giếng thường có nồng độ pH thấp, sắt cao làm nước có vị chua, mùi tanh, một số nơi nước bơm lên bị đục. Để đảm bảo an toàn nguồn nước sử dụng cần thực hiện một số biện pháp xử lý như dùng giàn mưa bằng cách dùng ống nước nhựa khoan lỗ cách 3cm (khoan mặt dưới ống để nước chảy vào bể lọc). Dùng bể lọc gia đình giúp loại bỏ cặn lơ lửng, một số kim loại, sử dụng than hoạt tính giúp loại bỏ độc tố, khử mùi. Bể lọc có kích thước dài 0,8m, rộng 0,8m, cao 1m và đổ các vật liệu sau: Lớp đá sỏi, dùng sỏi nhỏ kích thước 0,5 đến 1cm với độ dày 10cm. Sau đó là lớp than hoạt tính có độ dày 10cm, cuối cùng là lớp cát vàng hoặc cát thạch anh độ dày 25-30cm. Dưới đáy bể dùng ống nước nhựa khoan lỗ, phần ống nằm bên trong bể nhằm ngăn vật liệu lọc vào đường ống
Nước có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh như tả, thương hàn, viêm dạ dày, ruột... để loại bỏ vi khuẩn cần đui sôi trước khi dùng cho ăn uống.
Phong Lâm