Đủ, an toàn và hợp lứa tuổi
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, trẻ nhỏ thường tò mò, ưa sự mới lạ nên đồ chơi chơi vài hôm đã chán. Thấy con chán, bố mẹ lại mua món mới. Nhiều người mua đồ chơi cho con để “giao con” cho đồ chơi, để con chơi với đồ chơi còn mình rảnh rang làm việc khác. Nhiều bố mẹ mua đồ chơi cho con với hi vọng kích thích sự sáng tạo, trí tò mò của nhỏ để trẻ hiểu biết hơn, thông minh hơn.
Theo ThS Trần Mạnh Hoàng, trong sự phát triển của trẻ, không thể thiếu đồ chơi. Từ đồ chơi, trẻ sẽ khám phá thế giới xung quanh và học cách tư duy. Tuy nhiên, không nhất thiết phải mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ, vừa tốn kém, vừa dễ hình thành thói quen mới chơi đã chán ở trẻ. Tốt nhất ở mỗi độ tuổi chỉ cần vài món (2 – 3) đồ chơi là đủ.
Nhiều người sẽ cho rằng số đồ chơi này là ít. Thực tế, bên cạnh số đồ chơi mua sẵn này, bố mẹ có thể tận dụng những món đồ chơi cũ, hoặc bố mẹ có thể tận dụng thêm những đồ chơi tự chế từ các vật dụng sẵn có hoặc phế thải trong nhà như dùng giấy để gấp thuyền, gấp hạc, dùng bìa cát tông để cắt thành các loại xe, con vật….
Gộp tất cả lại, số lượng đồ chơi cho trẻ là không ít. Đặc biệt, để tránh nhàm chán và thỏa mãn tính ưa đồ chơi mới của trẻ, cha mẹ nên cất bớt các đồ chơi mà trẻ đã quen thuộc và có biểu hiện chán, không thích chơi những món đồ đó nữa, để một thời gian lại mang ra cho trẻ chơi lại, trẻ sẽ lại thấy hứng thú như đối với một món đồ mới.
Đặc biệt, theo ThS cho rằng, đối với trẻ, đồ chơi không phải là nhiều mà quan trọng phải hợp sở thích, hợp lứa tuổi và đảm bảo an toàn. Trên bao bì sản phẩm bao giờ cũng có khuyến cáo độ tuổi của trẻ để bố mẹ tham khảo. Nhiều bố mẹ con nhỏ nhưng mua đồ chơi của trẻ lớn với hi vọng con biết sớm, thông minh hơn bạn là sai lầm.
ThS Trần Mạnh Hoàng: Thay vì mua tống, mua táng, mua thật nhiều thì nên mua đồ chơi chất lượng, mua những món đồ chơi có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng, chất liệu được đảm bảo và an toàn cho sức khỏe của trẻ. Một điều quan trọng nữa là cần lựa chọn đồ chơi phù hợp với mỗi lứa tuổi của trẻ.
Phụ thuộc vào đồ chơi trẻ nghèo cảm xúc
Khẳng định đồ chơi là tốt, tuy nhiên, theo ThS Trần Mạnh Hoàng, bố mẹ đừng giao con cho đồ chơi. Không thiếu cảnh con ngồi một mình trong suốt 2 -3 tiếng đồng hồ hí hoáy với đồ chơi, càng thấy con yên tĩnh chơi, càng thích.
Thực tế, việc để trẻ tự chơi một mình ở một khía cạnh nào đó cũng giúp trẻ tự lập, hơn thế người lớn cũng có rất nhiều việc. Tuy nhiên, bố mẹ không được lạm dụng việc để con ngồi chơi một mình với đồ chơi, “đắm chìm” trong thế giới của riêng mình. Hành động này rất nguy hiểm bởi nó dần dần sẽ khiến trẻ trở nên phụ thuộc và nghiện. Nguy hiểm hơn, sự đắm chìm trong thế giới của riêng mình có thể khiến trẻ bị nghèo cảm xúc và nghèo các kỹ năng xã hội.
Tốt nhất, khi rảnh rỗi, bố mẹ nên chơi cùng con, hướng dẫn con chơi để gắn kết tình thương với con. Đặc biệt, ngoài đồ chơi, bố mẹ hãy để trẻ được sống cuộc sống thực ở bên ngoài để trẻ phát triển trí tuệ và cảm xúc thật. Vì vậy, bên cạnh việc cho trẻ chơi với đồ chơi, hãy cho trẻ ra ngoài để tiếp xúc với thiên nhiên và bạn bè, cộng đồng. Đây cũng là hoạt động bổ ích và có tác dụng trong việc giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, giao tiếp với bạn bè, phát triển sự sáng tạo và làm giàu cảm xúc…
ThS Trần Mạnh Hoàng khẳng định “Các hoạt động giao tiếp, vui chơi cùng bạn bè và những người xung quanh sẽ giúp trẻ học được những điều không thể tìm thấy khi chơi với đồ chơi. Chính những mối quan hệ và các hoạt động này mới giúp trẻ lớn lên, có trí tuệ và có cảm xúc. Ngoài ra, việc cho trẻ ra ngoài, còn giúp trẻ có cơ hội vận động và hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận về cuộc sống thật…”.