Du lịch Việt Nam: Được và mất sau hai năm "ngủ đông"

Hai năm qua, ngành du lịch đã gần như phải "ngủ đông" khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, thế nhưng ngành công nghiệp không khói này đã dần nhận được những tín hiệu khởi sắc vào năm 2022.

Hãy cùng Khoa học và Đời sống nhìn lại ngành du lịch Việt Nam trong suốt hai năm qua để mở cửa đón làn gió mới, kỳ vọng khởi sắc qua cuộc trò chuyện với ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

du-lich.jpg
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Được và mất?

Thưa Phó Tổng cục trưởng, năm 2020 – 2021 là 2 năm sóng gió nhất của ngành du lịch Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ từ con người đến hành động, thói quen của du khách lẫn hệ thống vận hành. Vậy thưa ông, khi nhìn lại 2 năm qua, ngành du lịch nhận được gì và mất gì?

Dịch Covid-19 đã trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Trong khi, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch.

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi lây lan sang các nước. Tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước, nhưng sau đó cũng bị ảnh hưởng dần từ các đợt giãn cách xã hội. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 2019. Tổng thu du lịch cả nước chỉ đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% so với năm cùng kỳ.

Sang đến năm 2021 ngành du lịch Việt Nam chịu tác động nặng nề hơn nữa, nhất là sau đợt bùng dịch lần thứ 4. Theo thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu từ du lịch lữ hành cũng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm 2020. Những địa phương tiêu biểu phải kể đến như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quảng Ninh... Cùng với đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, hoặc chỉ vận hành một nửa, cạn kiệt nguồn lực về tài chính.

Tuy nhiên, chính biến động lớn này giúp ngành du lịch có thời gian để nhìn lại, xây dựng cho mình bộ máy hoàn chỉnh, chặt chẽ và hiện đại hơn. Ngành du lịch không ngừng tìm ra những biện pháp để giảm tổn hại, rủi ro, tác động của đại dịch Covid-19 gây ra.

Bài học đầu tiên phải nói tới đó chính là con người và sức khỏe. Yếu tố con người luôn là cốt lõi cho mọi vấn đề. Các nhà quản trị phải không ngừng thay đổi cách vận hành con người từ sử dụng lao động có hiệu quả tới duy trì hệ thống.

Nhưng để có được điều đó thì phải chú ý tới sức khỏe. Trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của người lao động và khách du lịch. Nếu thấy không an toàn phải dừng ngay hoạt động và tuân thủ các quy định của Nhà nước, chính quyền.

Bài học thứ hai ứng phó kịp thời, nhanh, linh hoạt. Covid-19 không thể trì hoãn, chậm trễ hay coi thường. Dịch diễn ra bất ngờ, không lường trước, bùng dịch rất nhanh nên người làm du lịch cũng phải thích ứng được điều đó. Ngành du lịch luôn trong trạng thái chuẩn bị sẵn mọi kịch bản khi bị dừng hoạt động một cách đột ngột.

Nhưng đi kèm với đó là những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn như xây dựng thị trường, cắt giảm quy mô, thay đổi cơ cấu sản phẩm…

Bài học thứ 3 là tận dụng yếu tố về công nghệ. Dịch Covid-19 khiến mọi ngành nghề phải chuyển đổi công nghệ số, từ người nông dân tới người có tri thức. Trong bối cảnh không tiếp xúc, công nghệ sẽ giúp chúng ta thích ứng nhanh hơn so với trước.

Ngoài ra, sau Covid-19, ngành du lịch, người làm du lịch phải đưa ra được giải pháp phục hồi. Đặc thù của ngành là phục hồi nhanh, nhưng cần phải tìm ra những yếu tố mới, yếu tố này phải phá bàng được tâm lý lo sợ, e ngại dịch bệnh trong tâm trí người dân. Người làm du lịch phải giúp du khách thấy được sự bảo vệ và yên tâm.

du-lich(1).jpg
Kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm khởi sắc đối với ngành du lịch Việt Nam.

Kỳ vọng khởi sắc

Ông có nói đến việc chuyển đổi công nghệ số, vậy thưa ông, 2 năm qua cũng như sang năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã và phải chuyển mình như thế nào trong công cuộc thay đổi này?

Chúng ta có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số. Đây cũng là hướng đi của tất cả các doanh nghiệp hiện nay để thích nghi và tận dụng cơ hội để bứt phá. Điển hình như ngành ngân hàng, giáo dục… và ngành du lịch cũng vậy, có khi chúng tôi còn chuyển đổi sớm hơn so với các ngành nghề khác.

Vì ngành này là ngành đặc thù cần có công nghệ để kết nối với các nước trên thế giới. Chưa kể, những năm qua du khách đã bắt đầu đi du lịch qua hình ảnh, video… mà không cần đến trực tiếp. Tất cả những điều này đều là sử dụng công nghệ.

Du lịch còn liên quan rất nhiều ngành nghề khác như thanh toán (ngân hàng), hàng không, hải quan, công an, thị trường… Từ hoạt động nhỏ nhất như scan code visa đi qua cửa xuất nhập cảnh, chỉ với một cái thẻ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm bắt được toàn bộ thông tin, lịch trình… của du khách.

Nhưng doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan nhà quản lý du lịch cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ. Thích ứng linh hoạt và nhanh nhạy hơn trong thời kỳ dịch bệnh, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và mang tính hiện đại.

Với tình hình dịch bệnh, tiêm văcxin và việc kích cầu nền kinh tế như hiện nay, ông dự báo tình hình ngành du lịch Việt Nam năm 2022 sẽ diễn biến ra sao? Hướng đi của ngành là gì để tạo ra sự bứt phá, khởi sắc?

Năm 2022, chúng ta có văcxin, thuốc, kinh nghiệm nên chúng tôi cũng rất mong chờ Covid-19 sẽ trở thành một dạng cúm thông thường. Lúc đó, hoạt động du lịch phải nỗ lực để phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, với những dự báo mang tính lạc quan, năm 2022 ngành du lịch sẽ có những dấu hiệu phục hồi rất nhanh.

Trong câu chuyện phục hồi thì ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành du lịch cần có sự sáng tạo, tạo ra xu hướng mới (trend)… sau một thời gian dài khách không được đi du lịch, nhưng họ vẫn e ngại dịch bệnh. Đây được gọi là tâm lý hậu Covid-19.

Chúng ta phải nhằm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao. Đồng thời, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên ngành du lịch cần phối hợp tốt với các địa phương và các ngành để xử lý tình huống nhằm phát triển du lịch một cách nhanh nhất, tốt nhất.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

“Trước đây chúng ta cũng đã đẩy mạnh các hoạt động ngoài trời, nhưng không phải hoàn toàn, các nội dung như ăn uống, ngủ nghỉ ở ngoài thiên nhiên thì nay có thể đẩy mạnh hơn về vấn đề này. Vì xu hướng sống của người dân đã thay đổi dần sau Covid-19, họ cần một không gian thông thoáng hơn.

Hoặc thiết kế chuyến đi không quá đông người nhưng nội dung hấp dẫn hơn thì sức hút tour du lịch đó sẽ mạnh. Những cái đó bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự đổi mới mình, không nên làm theo truyền thống hoặc mô típ như ngày xưa".

Ông Hà Văn Siêu (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam)

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top