Du lịch: Mong hỗ trợ đừng như... "cưỡi ngựa xem hoa"

(khoahocdoisong.vn) - Phần lớn doanh nghiệp trong ngành du lịch đang thiệt hại nặng nề vì dịch Covid-19. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng theo các doanh nghiệp du lịch, các chính sách này không phù hợp. Ngành du lịch đang kỳ vọng Chính phủ có những chính sách thực tế hơn, hiệu quả hơn, mới có thể giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Chính sách như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có tác dụng hỗ trợ vì các doanh nghiệp đóng cửa, rất ít phát sinh doanh thu.

Chính sách như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có tác dụng hỗ trợ vì các doanh nghiệp đóng cửa, rất ít phát sinh doanh thu.

Nhiều chính sách không thực tế

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Chính phủ quyết định cần thực hiện gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai trúng đích và hiệu quả hơn thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm “giải cứu” các doanh nghiệp đang chìm trong khủng hoảng vì dịch bệnh. Du lịch nằm trong nhóm doanh nghiệp được đề nghị cần hỗ trợ khẩn cấp do doanh thu giảm sâu, thiếu hụt dòng tiền và khả năng phá sản rất lớn.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp ngành du lịch; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở du lịch đến hết năm 2021 và duy trì các biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất. Trước đó, các doanh nghiệp du lịch cho rằng hầu hết những chính sách của gói hỗ trợ lần 1 không thiết thực và hiệu quả. Gói hỗ trợ lần hai cũng chưa trúng đích với các doanh nghiệp du lịch.

Theo ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, những chính sách như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp gần như hoàn toàn không có tác dụng hỗ trợ. Các doanh nghiệp dừng hoạt động do dịch thì hoàn toàn không có thu nhập. Nếu có bán được hàng cũng rất thấp nên ít phát sinh thuế. Chính sách giảm 80% tiền ký quỹ cho lữ hành cũng không “thực tế” vì rất ít doanh nghiệp mở công ty trong lúc dịch bệnh. Với những công ty đang hoạt động, việc giảm tiền ký quỹ cũng không giúp ích là bao, chưa kể nếu được giảm thì thủ tục rút ra bớt có thể cũng sẽ rất nhiêu khê.

Còn bà Trần Thị Thanh Tâm, CEO chuỗi khách sạn Chez Mimosa cho biết, bà không kỳ vọng vào gói hỗ trợ lần 2. Bởi cả doanh nghiệp và người lao động đều không nhận được hỗ trợ từ gói lần 1. Những chính sách trong gói 1 đưa ra đều hợp lý nhưng việc triển khai lại cực kỳ khó khăn khiến người thụ hưởng không thể tiếp cận.

Bà Tâm cũng cho hay, khách sạn mình không có khách nên không có doanh thu và thiếu vốn nhưng lại không thể vay vì ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp và phải có báo cáo tài chính có thu nhập. Trong giai đoạn thị trường xuống đáy như hiện nay, doanh nghiệp không thể nào có báo cáo tài chính tốt để được chấp nhận cho vay.

Doanh nghiệp đã khó, người lao động lại khó gấp đôi. "Nhân viên của chúng tôi thất nghiệp và đã khổ sở suốt 6 tháng qua để chạy đi, chạy lại thực hiện thủ tục nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dành cho người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Người lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội thì được chỉ qua phường, phường lại bảo qua quận, quận lại chỉ về địa phương nơi cư trú, địa phương thì kêu về công ty, cứ thế lòng vòng nhiều ngày tháng, tốn tiền xăng xe mà một đồng hỗ trợ cũng không nhận được", bà Tâm nói.

Nếu có gói hỗ trợ lần 2, bà Tâm mong khoảng cách từ chính sách đến thực tế được rút ngắn lại. Các chính sách phải được thực hiện, loại bỏ những thủ tục rườm rà và bất hợp lý để doanh nghiệp, người lao động có thể tiếp cận. Có lẽ, việc hỗ trợ dễ thực hiện nhất bây giờ với doanh nghiệp kinh doanh lưu trú làm giảm 50% giá điện, nước, truyền hình cáp còn những gói hỗ trợ tài chính lớn hơn, dù rất cần nhưng cũng không dám kỳ vọng nhiều.

Một số khách sạn lao đao, cố mở cửa cầm cự chống đỡ dù rất ít khách.

Một số khách sạn lao đao, cố mở cửa cầm cự chống đỡ dù rất ít khách.

Khó có thể đem lại sự đột phá

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc HanoiTourism JSC cho rằng, dư địa phát triển của du lịch còn rất lớn. Du lịch là nhu cầu thiết yếu trong xã hội hiện đại khi áp lực cuộc sống căng thẳng. Đặc biệt, sau đại dịch, du lịch là ngành tiên phong trong hoạt động kinh tế, có khả năng trỗi dậy nhanh hơn so với các ngành khác. Vì vậy, du lịch cần phải được sự quan tâm, hỗ trợ để phát huy sức mạnh, tạo bứt phá trong thời gian ngắn nhất.

Theo ông Từ Quý Thành, vấn đề của ngành du lịch hiện nay là sức mua. Sức mua đang rất thấp cho nên doanh nghiệp không bán hàng được. Cho dù tour, dịch vụ đã được chuẩn bị sẵn sàng, giá cũng tốt hơn trước nhưng không có mấy khách. Tình trạng này sẽ còn kéo dài vì túi tiền của người dân đã teo tóp sau hơn 10 tháng đương đầu với khó khăn về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Tâm lý phòng thủ, không dám chi tiêu cũng nặng nề hơn vì ai cũng lo dịch bệnh kéo dài.

Mùa du lịch Tết năm nay cũng khó có thể đem lại sự đột phá về sức mua cho du lịch vì người dân còn nhiều khoản chi khác quan trọng hơn trong thời dịch bệnh. Do đó, để vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh này, chính phủ nên có hỗ trợ cho người tiêu dùng, người dân phải tăng sức mua du lịch thì doanh nghiệp mới có thể "sống" được.

"Một số nước như Nhật Bản, Thái Lan đã có những chính sách hỗ trợ tiền, voucher du lịch cho người dân. Nếu Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần 2, đặc biệt nhắm đến du lịch, hàng không thì cũng nên tham khảo cách làm này. Theo tôi, để người dân đi du lịch nhiều hơn thì nên hỗ trợ giá cho các tour du lịch trọn gói. Khách được giảm giá vài chục phần trăm thì sẽ đi du lịch, giúp doanh nghiệp lữ hành, hàng không, nhà hàng, khách sạn... có doanh thu để vượt qua khó khăn", ông Thành cho biết thêm.

Ông Trần Hoàng Anh, CEO Công ty Du lịch Bước chân Đông Dương cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là sức mua còn việc vay tiền chỉ giúp doanh nghiệp "cầm hơi" trong ngắn hạn. Nếu sức mua không có, khách hàng không có thì doanh nghiệp làm cách nào cũng khó tồn tại và không có nguồn tiền nào có thể kham nổi.

Hiện nay, cả ngành du lịch nói đến kích cầu du lịch và một trong những cách tốt để kích cầu là giảm giá thu hút khách nhưng rất khó để doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi giảm giá tour vì các dịch vụ liên quan không giảm nhiều. Đối tác cũng có cái khó của họ, là không thể giảm giá quá cao vì có thể ăn vào vốn. Vì thế, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình giảm giá, bán hàng để tăng sức mua.

Ngoài ra, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp lúc này là cho vay không lãi suất để trả lương nhân viên, sửa chữa cải tạo khách sạn và cơ sở vật chất cùng các chính sách hỗ trợ một phần chi phí điện, nước, thuế giá trị gia tăng... Những chính sách hỗ trợ cần được thực hiện đồng bộ và lâu dài thì mới có hiệu quả.

Theo Đời sống
Agribank - Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024

Agribank - Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024

Tối 4/11/2024, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia diễn ra Lễ công bố Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 lần thứ 9 tôn vinh những thương hiệu tiêu biểu. Tham dự buổi Lễ có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
back to top