Thông tin trên được đưa ra trong buổi làm việc giữa Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (QLDA Mỹ Thuận - Bộ GTVT) và UBND thành phố Cần Thơ về công tác cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025).
Theo đó, nhu cầu của cả dự án là 17 triệu m3, nhưng hiện thành phố chỉ 9 mỏ cát với sản lượng khoảng 7 triệu m3. Cụ thể, có 3 mỏ đang hoạt động (với sản lượng khoảng 2 triệu m3), 6 mỏ còn lại (sản lượng khoảng 5 triệu m3), theo quy hoạch khoáng sản của thành phố Cần Thơ sẽ đấu giá.
Số lượng còn lại, UBND thành phố Cần Thơ giao Sở TN&MT phối hợp với các sở ngành liên quan hỗ trợ lấy mẫu thực tế, đánh giá chất lượng cát, cung cấp đầy đủ hồ sơ các mỏ cát đang trong quy hoạch.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu đánh giá khả năng khai thác cát thực tế trong năm 2023 và 2024, cân đối lượng cát khai thác với nhu cầu sử dụng cát trong dân và cho các dự án của thành phố, có sự ưu tiên cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…
Ngoài ra, liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, đoạn qua Cần Thơ đã hoàn thành kiểm đếm 132 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích khoảng 6,7ha; đang thực hiện các bước để tiến hành chi trả bồi thường cho các hộ dân…
Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiểm đếm, đo đạc, thu hồi đất để đảm bảo yêu cầu có khoảng 70% mặt bằng để khởi công vào cuối năm.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17m; tổng chiều dài khoảng 110km, đi qua 5 địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 27.200 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần: đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài gần 37km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài gần 73km, vốn 17.485 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công tháng 11/2022, hoàn thành cơ bản năm 2025.