Đông Nam Á: Tăng cường đổi mới trong khoa học và công nghệ nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu gây ra các tác động tiêu cực trên diện rộng đến các vấn đề nông nghiệp ở khu vực, bao gồm duy trì chất lượng đất trồng (92%), kiểm soát bệnh thực vật (88%), duy trì hiệu quả năng suất cây trồng (88%) và quản lý sâu bệnh, dịch hại (85%).
cla_khao-sat_tro-ngai-nong-dan-phai-doi-mat_2022.jpg
Khảo sát trở ngại nông nghiệp 2022.

Đây là kết quả được công bố trong Sách trắng Nghiên cứu Tác động của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp ASEAN vừa phát hành. Nghiên cứu được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường PSB Insights cùng sự hợp tác của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tổ chức CropLife Châu Á.

Theo nghiên cứu, đa số các nhà hoạch định chính sách tham gia khảo sát đều cho rằng tác động của biến đổi khí hậu là một trở ngại đáng kể mà khu vực ASEAN sẽ phải tính đến. Hơn một nửa (51%) cho rằng quản lý tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là thách thức cấp bách nhất hiện nay, cao hơn đáng kể so với tất cả các thách thức khác.

Trong 5 năm tới, hàng loạt những vấn đề về môi trường mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ trong khu vực đang và sẽ phải đối mặt như: chất lượng đất, quản lý dịch hại, năng suất cây trồng và cơ hội thương mại nông sản.

95% các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc duy trì và cải thiện chất lượng đất là thách thức lớn nhất mà đất nước của họ phải đối mặt. 91% tin rằng quản lý sâu bệnh, đảm bảo đủ năng suất cây trồng, mở rộng thị trường phù hợp và cải thiện khả năng bán hàng cho nông dân cũng là những vấn đề rất đáng lưu tâm.

cla_khao-sat_tro-ngai-nong-nghiep_2022.jpg
Khảo sát trở ngại nông nghiệp 2022.

Hơn 60% các nhà hoạch định chính sách nhận định nông dân sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực lớn nhất, đặc biệt liên quan tới năng suất cây trồng/ an ninh lương thực.

86% các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc cung cấp kiến thức và tập huấn để nông dân tiếp nhận và sử dụng các giải pháp công nghệ nông nghiệp cũng như đổi mới khoa học trong lĩnh vực này sẽ là “rất quan trọng” để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.

Họ cũng chung nhận định rằng giải pháp này còn quan trọng hơn những thay đổi về chính sách hoặc các biện pháp tài chính như cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của nông dân.

Hợp tác công tư để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống lương thực trong khu vực là một giải pháp được kỳ vọng được đưa ra trong nghiên cứu lần này.

Các nhà hoạch định chính sách mong muốn chính phủ và các tập đoàn/ đơn vị tư nhân sẽ cùng nhau hợp tác để cải thiện các chương trình tập huấn và tăng cường đổi mới trong khoa học và công nghệ nông nghiệp.

Đã có khoảng 35 nhà hoạch định chính sách của các quốc gia ASEAN tham gia trong nghiên cứu lần này theo cả hai phương pháp phỏng vấn định tính và định lượng từ tháng 10/2021 tới tháng 1/2022.

Theo Đời sống
back to top