Doanh nghiệp "ngấm đòn" Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Trong năm trước, các ngành thương mại, dịch vụ là những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Đến nay, với việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ, các doanh nghiệp sản xuất cũng dần rơi vào thế khó.

Khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT cho thấy, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất, như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch 95,7%.

Hàng không, du lịch "thoi thóp"

Năm 2020, từ khi dịch bùng phát từ tháng 2, Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế, khách du lịch quốc tế cả năm đến Việt Nam chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm trước. Du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn, doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 ước tính chỉ đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước.

Nhiều địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 giảm mạnh, như Khánh Hòa giảm 85,1%; Quảng Nam giảm 78,7%; TPHCM giảm 76,7%; Đà Nẵng giảm 73,3%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 64,3%; Bình Dương giảm 60,1%; Quảng Bình giảm 58,2%; Cần Thơ giảm 55,3%; Hà Nội giảm 48,4%; Bình Định giảm 40,1%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm nay ước tính cũng chỉ đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước.

Cùng với du lịch, hàng không cũng là ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 đạt 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng. Lưu ý, tháng 11/2020, doanh nghiệp này còn được Chính phủ "bơm" khẩn cấp 12.000 tỷ đồng để có nguồn vốn duy trì hoạt động.

Sang quý 1/2021, Vietnam Airlines tiếp tục ghi nhận lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh lên đến 3.869 tỷ. Cụ thể, doanh thu của hãng trong quý đạt 7.528 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lên đến 11.329 tỷ đồng.

Vietjet Air là đơn vị hiếm hoi ghi nhận kinh doanh có lãi trong năm 2020. Tuy nhiên, so với năm 2019, doanh thu hợp nhất chỉ bằng 1/3 (18.220 tỷ đồng so với 52,060 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế bằng 1/60 (70 tỷ so với 4.219 tỷ đồng). Quý đầu năm 2021, Vietjet Air ghi nhận 4.048 tỷ đồng doanh thu, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài du lịch, hàng không, hầu hết các ngành hàng thương mại dịch vụ đều bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.

Điều này dẫn đến sự bấp bênh trong cách tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp trong mảng du lịch hoạt động còn tùy theo mùa vụ. Nhưng với nguy cơ dịch hiện hữu, tình trạng khách hàng đặt tour – hủy tour diễn ra thường xuyên, doanh nghiệp khó lòng xây dựng được một định hướng phát triển lâu dài.

Số liệu về doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng vừa được Bộ Công Thương công bố ngày 5/5 vừa qua cho biết, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước tính đạt 164,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng mức và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm ước tính đạt 3,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,23% tổng mức và giảm 49,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế đồng thời người dân vẫn lo lắng về dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch.

Doanh nghiệp "chóng mặt"

Một khảo sát vào cuối năm 2020 đối với 10.200 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” vì dịch Covid-19. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.

Mới đây, các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã lên tiếng vì giá vật liệu xây dựng trong nước tăng cao. Riêng mặt hàng thép, báo giá thép cây của Hoà Phát tại thị trường miền Bắc tăng lên mức 16,19 - 16,38 triệu đồng/tấn, tăng thêm 700.000đ một tấn trong vòng 4 ngày. Thép cuộn của Việt Đức cũng vượt 16 triệu đồng một tấn.

Liên quan đến việc thép tăng giá, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu khoảng hơn 18 triệu tấn quặng, 6 - 6,5 triệu tấn thép phế liệu cho ngành công nghiệp thép.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh kéo dài, sản lượng quặng thép trên thế giới tiếp tục bị thâm hụt, giá thép tăng cao, thời gian giao hàng kéo dài do chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên giá thép trong nước dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Giá thép tăng cao chắc chắn sẽ tác động tới đội giá các công trình xây dựng. Và trở thành động lực kéo các nguyên vật liệu khác của ngành xây dựng như xi măng, cát, đá, gạch... tăng theo. 

Nỗi lo của doanh nghiệp sản xuất không chỉ đến từ nguồn cung, mà còn là đầu ra của sản phẩm. Do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều mặt hàng sản xuất ra và không thể vận chuyển đến các thị trường để tiêu thụ. Đặc biệt, với các ngành thâm dụng lao động và phụ thuộc hoàn toàn xuất khẩu như dệt may, da giầy. Một khảo sát cho thấy, với ngành dệt may, da giầy, tác động của dịch Covid-19 khiến các nhà máy tại các khu công nghiệp giảm đơn hàng, dẫn tới đói việc. Các nhà máy đặt tại các vùng nông thôn phải cho công nhân nghỉ bớt, thu hẹp diện sản xuất để chờ nhu cầu hồi phục.

Theo Bộ KH&ĐT, 4 tháng đầu năm, có hơn 40.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng hơn so với cùng kỳ. Nhưng số liệu này không đem lại nhiều lạc quan khi cũng có hơn 50.000 doanh nghiệp rời thị trường. Điều đó cho thấy tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp và sau đó là tới sinh kế của người lao động đang rõ dần.

Tín hiệu lạc quan có thể hy vọng, là giá cho thuê bất động sản công nghiệp đang tăng rất mạnh, cho thấy dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, đây thực chất lại là một thách thức, hơn là tín hiệu vui.

Chi phí nhân công của Việt Nam đang tăng và chi phí thuê hạ tầng còn tăng mạnh hơn chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới sức hấp dẫn thu hút đầu tư của Việt Nam. Và trong trường hợp những nỗ lực cải cách hành chính của chính phủ tiến hành chậm, khiến mức giảm chi phí cho nhà đầu tư chậm hơn mức tăng chi phí nhân công, hạ tầng, thì cũng có thể nhìn thấy nguy cơ Việt Nam chậm chân trong cuộc đua hút đầu tư từ dịch chuyển chuỗi cung ứng.   

Theo Đời sống
Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Chiều 24/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ từ 38 - 68 đồng/lít, trong khi giá các loại dầu tăng giảm tùy loại, nhưng mức biến động cũng không đáng kể.
back to top