Dính Covid-19, kinh tế Việt Nam 2020 ra sao?

(khoahocdoisong.vn) - Theo Bộ KHĐT, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2020 chỉ tăng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua, và chỉ bằng 56,2% mức tăng của quý 1/2019. Nguyên nhân, đương nhiên, do tác động của dịch Covid-19.

Thấp nhất 10 năm qua

Cần nói rõ, kết quả GDP quý 1/2020 chỉ tăng 3,82% được Bộ KHĐT dẫn tại dự thảo kết quả đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại báo cáo số 2099/BC-BKHĐT ngày 31/3/2020.  

Về mức tăng GDP quý 1/2020 chỉ 3,82%, dự thảo báo cáo của Bộ KHĐT đánh giá “Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP quý 1/2020 đạt thấp (3,82%) so với cùng kỳ các năm trước”. Số liệu so sánh của Bộ KHĐT sau đó (cũng tại dự thảo này) cho thấy đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, Bộ KHĐT đánh giá “đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch Covid-19 và đà suy thoái kinh tế thế giới”. Bộ KHĐT dùng từ “suy thoái” để nhận xét về kinh tế thế giới trong dịch Covid-19.

Cũng dự thảo này dự báo kinh tế trong nước chịu nhiều tác động trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, khó đoán định. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn. “Dịch bệnh lây lan kéo dài gây tổn thất trực tiếp lên các lĩnh vực như du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp đến, các nhóm ngành sản xuất và đầu tư sẽ chịu tác động gián tiếp”- dự thảo nêu.

Bộ KHĐT dẫn đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và mức thiệt hại sẽ dao động từ 675 triệu - 3,7 tỷ USD (tương đương 0,3 - 1,4% GDP). Trong khi đó, Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc xuống còn 2,2% (so với 6% tại thời điểm tháng 01/2020), Mỹ tăng trưởng âm 2% (so với 2% trước đây). IMF cũng dự báo kinh tế một loạt các quốc gia sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, như Đức (-3,4%), Pháp (-3,9%), Anh (- 3,1%)...

Đáng chú ý, dự thảo của Bộ KHĐT dự báo kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Rủi ro về tác động lây lan của suy giảm thương mại và sản xuất toàn cầu. Đặc biệt là rủi ro từ khả năng hấp thụ gói tín dụng 285.000 tỷ đồng của doanh nghiệp, nhu cầu tín dụng thấp vẫn được dự báo đến hết quý 2/2020, sức ép tỷ giá gia tăng.

Cần lưu ý, tới thời điểm này, khi GDP quý 1/2020 đã tăng trưởng thấp nhất nhiều năm, Chính phủ vẫn kiên định quyết tâm chưa đặt vấn đề giảm mục tiêu tăng trưởng của năm 2020. Trong điều kiện dịch bệnh có xu hướng kéo dài, áp lực phải hạ mục tiêu ngày càng rõ ràng. Còn nếu không hạ, câu hỏi là Chính phủ sẽ làm gì?

Cứu trợ có giúp tăng trưởng?

Một báo cáo ngày 1/4 của Ủy ban quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp cho biết, dự kiến doanh thu quý 1/2020 của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc ủy ban này giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong số đó, 7 đơn vị đã bắt đầu không cân đối được, gồm: Vietnam Airline (lỗ 2.383 tỷ đồng), PVN (lỗ 572 tỷ đồng), Vinachem (lỗ 440 tỷ đồng), Vinaline (lỗ 111,3 tỷ đồng), Vinafood 2 (lỗ 97 tỷ đồng), Vinacafe (lỗ 25 tỷ đồng), VNR (lỗ 100 tỷ đồng). Tổng số lỗ của 7 doanh nghiệp này là 3.728 tỷ đồng.

UBQLVNN dự kiến, nếu dịch bệnh kéo dài cả năm 2020, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch. 8/19 tập đoàn, tổng công ty sẽ bị thua lỗ dự kiến 26.324 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.

Gây sốc hơn cả là đề nghị của UBQLVNN về các biện pháp hỗ trợ đối với các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Theo đó, ủy ban này đề nghị giảm, miễn nhiều loại thuế, khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay, không chuyển nhóm nợ… với các doanh nghiệp trên. Gây choáng nhất là đề nghị của ủy ban về việc NHNN có hướng dẫn để các tập đoàn, tổng công ty tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, cụ thể là ở “thời hạn 3 năm, lãi suất 0%”.

Gần nhất, là Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế do Đại học Kinh tế Quốc dân TPHCM thực hiện. Đây là một trong số các báo cáo đánh giá về tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam đã xuất hiện trong 3 tháng qua, trong đó có cả báo cáo chính thức của Bộ KHĐT.

Báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân TPHCM được hoàn thành trên cơ sở khảo sát 510 doanh nghiệp đến thời điểm 1/4/2020, có cập nhật số liệu của các bộ, ngành. Báo cáo cho biết có ít nhất 5 nhóm lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 gồm Thương mại hàng hóa (xuất nhập khẩu, thương mại nội địa…), Thương mại dịch vụ (vận tải, logistics, dịch vụ y tế, giáo dục…), Du lịch - khách sạn, Nông nghiệp và Bất động sản.

Theo đó, nếu dịch Covid – 19 kéo dài đến hết tháng 4, chỉ có 49,2% doanh nghiệp duy trì được hoạt động, 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất, 18,1% tạm dừng hoạt động, 0,8% có khả năng phá sản. Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, tháng 9, hoặc hết năm, tỷ lệ phá sản sẽ là 6,1%, 19,3%, và 39,3%.

Nếu dịch khống chế được trong tháng 4/2020, các dịch vụ trên suy giảm ở mức dưới 35%. Nếu kéo dài đến hết tháng 6/2020, hầu hết các ngành dịch vụ sẽ suy giảm ở mức từ 20 - 40%. Riêng giáo dục sẽ giảm 35 - 65%, tái cơ cấu lao động ngành – một cách diễn đạt hàn lâm cho lượng lớn lao động ngành này sẽ mất việc.

Theo kết quả khảo sát, có 93,9% các doanh nghiệp được điều tra đánh giá dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, 60,2% doanh nghiệp sụt giảm nguồn thu, 51,8% doanh nghiệp hoạt động dưới mức bình thường. Giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất doanh nghiệp gặp phải.

Báo cáo cũng dự báo, GDP quý 2/2020 của Việt Nam chỉ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu). Dự kiến phục hồi từ quý 3/2020. Xuất khẩu giảm từ khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.

Trong khi tâm lý u ám, lo ngại bao trùm khối doanh nghiệp, các gói tín dụng ưu đãi liên tiếp được Chính phủ và ngân hàng công bố. Phản hồi từ nhiều doanh nghiệp cho biết, cốt lõi khủng hoảng dịch Covid – 19 năm 2020 là khủng hoảng chuỗi cung ứng, gắn với thiếu thị trường xuất khẩu và thiếu nguyên liệu, dẫn tới kết quả sản xuất, dịch vụ đình đốn.

Do đó, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là được hỗ trợ ở mức đảm bảo duy trì năng lực sản xuất, chờ thị trường phục hồi. Tức là giảm thuế, “đóng băng” nợ cũ, cho vay duy trì mới là biện pháp phù hợp, hơn là lùi thời gian nộp thuế và cho vay ưu đãi khuyến khích đầu tư.  

Theo Đời sống
Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Ngày 24/4, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu với chủ đề “Hiến giọt máu đào -Trao đời sự sống”.
Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Sản phẩm Bath Gel - MM Professional (chai 35ml, số lô 19/10/2023; ngày sản xuất 19/10/2023) của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mỹ Nguyên (Công ty Mỹ Nguyên) bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.
back to top